0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 24/09/2021 16:31 (GMT+7)

Masan quyết chi 300 tỷ thâu tóm nhà mạng ‘ảo’

Việc thâu tóm Mobicast là bước đầu để Masan số hóa nền tảng “Point of Life” sau khi đã dành nhiều nguồn lực để đa dạng hoá sản phẩm và hệ sinh thái tiêu dùng.

Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast (Mobicast) với tổng giá trị là 295,5 tỉ đồng.

Được thành lập vào năm 2016, Mobicast chính thức nhận được giấy phép vận hành mạng di động ảo năm 2019. Reddi hướng vào nhóm khách hàng trẻ, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến và hướng đến chuyển đổi thành siêu ứng dụng dựa trên cốt lõi là dịch vụ di động. 

Masan thâu tóm nhà mạng ‘ảo’
Mobicast sở hữu mạng di động Reddi với đầu số 055. Ảnh: DNCC.

Theo đại diện Masan, tập đoàn này hiện đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.

Do đó, việc sở hữu Reddi xem như mở ra cánh cửa mới, tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc.

“Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa “Point of Life”, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. Từ đó sẽ giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại”, ông Danny Le, Tổng giám đốc tập đoàn Masan chia sẻ.

'Point of Life' là nền tảng tiêu dùng mang ý nghĩa chiến lược của Masan. Trong nhiều năm, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thâu tóm một loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực FMCG như: VinaCafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Nước khoáng Quảng Ninh hay Thực phẩm Dinh Dưỡng Sài Gòn, CTCP Bột giặt NET.

Sau khi hoàn tất thâu tóm VinCommerce để sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+, công ty con của Masan là The CrownX đã phát hành thành công 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,5% cổ phần cho nhóm nhà đầu tư Alibaba, Thunbergia và Credit Suisse AG. Thương vụ giúp The Crown X thu về 8.799 tỉ đồng.

Theo đánh giá, hệ sinh thái tiêu dùng của Masan bao gồm những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Trong khi đó, về mặt thị trường viễn thông, Masan đánh giá có khoảng 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Về phía Reddi, thương vụ này cũng được kỳ vọng giúp nhà mạng ảo tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng, để tập trung phát triển các giải pháp tiêu dùng số và nền tảng trải nghiệm khách hàng.

Không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông, các dịch vụ MVNO như Reddi hợp tác với các nhà mạng di động truyền thống, sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng. Theo giới thiệu, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến. Ví dụ như tại Anh, gần 20% ​​thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng MVNO.

Bạn đang đọc bài viết Masan quyết chi 300 tỷ thâu tóm nhà mạng ‘ảo’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới