Masan chi thêm 2.500 tỷ đồng để "thâu tóm" Phúc Long
Masan chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần của chuỗi trà sữa Phúc Long. Sau giao dịch này, Tập đoàn Masan sở hữu 51% cổ phần Phúc Long, qua đó nắm quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh.
Ngày 9/2, Masan Group (MSN) công bố chi tiết kết quả kinh doanh chưa kiểm toán của quý IV/2021 và năm 2021. Theo đó, công ty cho biết đã tiếp tục đầu tư và nâng sở hữu tại chuỗi Phúc Long lên mức chi phối.
Cụ thể, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E của chuỗi này xấp xỉ 15 lần dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.
Được biết, trong năm 2021, Masan đã mua lại 20% CTCP Phúc Long Heritage - công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá trị giao dịch là 15 triệu USD.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đưa ra dự báo kết quả tài chính sơ bộ năm 2022.
Theo đó, Masan lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 đạt từ 90.000-110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% - 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Đại diện Masan cho biết, trong năm 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và Masan High-Tech Materials) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính (loại trừ các khoản lãi /lỗ 1 lần và mảng thức ăn chăn nuôi) ước tính sẽ trong khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32% - 84% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021.
Cụ thể, doanh thu thuần của CrownX dự kiến đạt khoảng 68.000 - 76.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng từ 17% đến 31%.
Trong đó, doanh thu thuần của WinCommerce (WCM) dự kiến đạt khoảng 38.000 - 40.000 tỷ đồng, tăng 23 - 29% mức thực hiện năm 2021 nhờ vào tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện có và việc mở rộng hệ thống cửa hàng.
Theo Masan, việc nhân rộng số lượng cửa hàng áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống, nhãn hàng riêng và tăng tốc mô hình mini-mall sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của WinCommerce.
Trong khi đó, doanh thu thuần dự kiến của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) trong năm 2022 đạt khoảng 34.000 - 40.000 tỷ đồng, tăng 18 - 39% so với năm 2021.
CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) dự kiến đạt doanh thu thuần 5.000 - 6.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 11 - 45% so với mức 4.500 tỷ đồng thực hiện năm 2021 nhờ mở rộng danh mục thịt heo và thịt gà có thương hiệu, gia tăng khả năng phân phối thông qua WCM. Lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa nhờ công suất sử dụng cao hơn và tăng trưởng doanh số từ thịt chế biến.
CTCP Masan High-Tech Materials (UPCoM: MHT) dự kiến đạt mức doanh thu thuần từ 14.500 - 15.000 tỷ đồng, tăng 7 - 11% dựa trên việc các nguyên tắc cơ bản của thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện vào năm 2022 và sức mạnh của thị trường hàng hóa nói chung.
Về chuỗi Phúc Long, Masan kỳ vọng doanh thu của chuỗi này trong năm 2022 sẽ đạt từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Về Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), Masan kỳ vọng ngân hàng này sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong năm 2022.