Lý do gì khiến tiền đổ vào chứng khoán Việt Nam lên mốc cao nhất lịch sử?
Thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỉ đô, trong khi vẫn đang có tới 92.000 tỉ đồng "tiền tươi" nằm chờ giải ngân... "Cơn sốt" mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những tháng cuối cùng của năm 2021 đang gây nhiều bất ngờ cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đơn cử ngay khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách, chứng khoán đã thiết lập các đỉnh lịch sử, cao nhất là phiên ngày 2/11 khi chỉ số VN-Index đạt 1.452 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/11, VN-Index chính thức điều chỉnh giảm 8,16 điểm (-0,56%) xuống mốc 1.444,3 điểm. Một điểm đáng chú ý là trong ngày tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán, bao gồm sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 51.976 tỉ đồng, tương đương hơn 2,2 tỉ USD, cao gấp 1,4 lần phiên trước và cao nhất trong vòng 21 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động (kỷ lục thanh khoản cao kỷ lục trước đó là 38.350 tỉ đồng trong phiên giao dịch ngày 20/8).
Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE lên tới 43.209 tỉ đồng, gấp 1,5 lần phiên trước, cao kỷ lục từ trước đến nay và một kỷ lục nữa cũng được xác lập trên sàn này khi có hơn 1,5 tỉ cổ phiếu được sang tay trong ngày. Ngược dòng thị trường, rổ VN30 vẫn giữ được sắc xanh, tăng 9,3 điểm (+0,61%) lên 1.530,65 điểm. Ở sàn HNX và rổ HNX30 ngày 3/11 hứng chịu sắc đỏ, lần lượt rớt 8,4 điểm (-1,98%) xuống 415,71 điểm và 18,1 điểm (-2,64%) xuống 668,68 điểm. Sàn UPCoM tăng 0,05 điểm (+0,05%) lên 106,98 điểm. Ngoài ra, điểm cộng trong phiên giao dịch ngày 3/11 là sau 2 phiên bán ròng hơn 2.500 tỉ đồng, nay khối ngoại đã đảo chiều mua ròng hơn 256 tỉ đồng.
Trước các mức kỷ lục của thị trường chứng khoán, ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, nhận định, kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo đà cho sự hồi phục này là định hướng sống chung với đại dịch của Chính phủ Việt Nam, cụ thể hóa bằng chiến dịch phủ vaccine thần tốc chỉ trong vài tháng tại TP.HCM, Hà Nội và một số vùng trọng điểm sản xuất. Đồng thời, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng tốc độ phủ vaccine tại các tỉnh, thành trên cả nước để nhanh chóng mở cửa toàn bộ nền kinh tế.
Vậy lý do gì khiến tiền đổ vào chứng khoán Việt lên đỉnh lịch sử?
Ngoài niềm tin về sự phục hồi của nền kinh tế hậu dịch bệnh, một trong các nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán bùng nổ lượng tiền giao dịch nằm ở việc có thông tin về đề xuất gói kích thích kinh tế lớn lên đến 800.000 tỉ đồng do Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ. Chính điều này đã tạo ra các hiệu ứng về tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến nhà đầu tư quyết định xuống tiền, với niềm tin kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và mạnh hơn nhờ gói kích thích tài chính này.
Số tài khoản mở tăng đột biến
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Nam (VSD), trong chín tháng đầu năm nay, cá nhân trong nước mở mới 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020. Lũy kế tới cuối tháng 9 vừa qua, số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,68 triệu.
Chỉ số VN-Index tăng hơn 300 điểm kể từ đầu năm 2021 đến nay. Công ty Chứng khoán SSI dự báo chỉ số VN-Index đang hướng đến vùng 1.500 điểm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cho hay trong 10 tháng đầu năm nay người dân đã chuyển thêm 68.000 tỉ đồng đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng của thị trường hiện nay. Khi niềm tin của người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư.
Trong lúc cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đón sắc xanh, nhóm BĐS lại gánh áp lực cổ phiếu bị bán ra, rớt giá, như Novaland (NVL), Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM), Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG)...
Như vậy, sau thời gian nắm giữ và đón sóng tăng, hôm nay nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời cổ phiếu BĐS.