Lộc Trời lại muốn lùi việc chuyển niêm yết lên HoSE
Sau 3 lần gia hạn, cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời dự kiến lên sàn HoSE vào năm 2025, trễ đến 6 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trong phiên họp thường niên sắp tới, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) sẽ trình các cổ đông thông qua quyết định gia hạn thời gian niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) sang năm 2025. Từ tháng 7/2017 đến nay, cổ phiếu công ty vẫn đang giao dịch trên sàn UPCoM.
Kế hoạch "chuyển sàn" của LTG vốn được đặt ra từ đại hội cổ đông năm 2018, dự kiến xong trong năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch này liên tiếp bị lùi. Trong lần gia hạn đầu tiên, một lãnh đạo giải thích nguyên nhân do công ty gặp khó về kinh doanh, đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi về môi trường buôn bán sản phẩm thuốc, gạo... Sang lần gia hạn tiếp theo, ban lãnh đạo công ty không giải thích trực tiếp mà chỉ cho biết, công ty tập trung định hướng tiếp tục tái cơ cấu các ngành chủ chốt.
Như vậy, đến nay thời hạn niêm yết lên HoSE của Tập đoàn Lộc Trời sẽ chậm hơn 6 năm so với dự tính ban đầu.
Sàn UPCoM có tiêu chuẩn tham gia thấp hơn hẳn HNX hay HoSE và đóng vai trò là đòn bẩy để các doanh nghiệp niêm yết. Còn trên HoSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu đã góp là 120 tỷ đồng tại thời điểm đăng ký niêm yết, phải hoạt động ít nhất 2 năm dưới hình thức công ty cổ phần, kinh doanh có lãi 2 năm liền... kèm nhiều tiêu chuẩn cao hơn trong việc công bổ thông tin.
Cổ phiếu lên sàn này thường có thanh khoản tốt hơn, được định giá sát hơn và có độ uy tín cao hơn. Do đó, HoSE thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư ngoại, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.
Năm ngoái, LTG vượt kế hoạch lợi nhuận với hơn 418 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2020. Công ty cũng ghi nhận hơn 10.200 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 36% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Kết quả trên có được nhờ công ty đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo, tăng gần 4 lần về sản lượng, dẫu giá cước vận tải đường biển tăng cao.
Sang năm nay, công ty chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ 400 tỷ đồng, giảm khoảng 4,4% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và nhân viên theo định hướng phát triển bền vững.
Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo công ty cũng sẽ nhận khoản thưởng lớn nếu kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Dự kiến, nếu lợi nhuận Lộc Trời tăng 0-10% sẽ thưởng 10% chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng 10-20% sẽ thưởng 15% chênh lệch và nếu lợi nhuận tăng 20%, mức thưởng cho hội đồng quản trị và ban lãnh đạo lên tới 20%.
Lộc Trời dự kiến năm 2022 sẽ liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng 105.000 ha với các nông dân trên địa bàn tỉnh, xuất khẩu nhiều hơn sang các châu lục để mở rộng thị phần. Hồi tháng 2, Nông sản Lộc Trời - thành viên của LTG, đã giao đơn hàng xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng) cho các đối tác đã làm ăn lâu dài như Italy, Pháp, Canada, Singapore, Philippines... Đơn hàng này gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp.