Lỗ ròng hơn 1.300 tỉ đồng, cổ phiếu FLC không được giao dịch ký quỹ
Sau khi soát xét báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ Tập đoàn FLC là số âm nên cổ phiếu FLC sẽ không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo cổ phiếu FLC vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Quyết định cắt Margin đối với cổ phiếu FLC được đưa ra sau khi Tập đoàn FLC công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 với lợi nhuận Công ty mẹ bị âm.
Cụ thể, sau khi soát xét báo cáo tài chính, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC bị giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 1.622 tỉ đồng.
Trong 6 tháng kinh doanh đầu năm 2020, các mảng kinh doanh chính của Tập đoàn FLC bao gồm bất động sản, xây dựng, du lịch nghỉ dưỡng, hàng không... đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị tê liệt. Theo báo cáo, giá vốn bán hàng FLC giảm 16% so với cùng kỳ xuống còn 1.331 tỉ đồng. Đồng thời, lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ bị âm 33% so với bán niên 2019 xuống còn gần 291 tỉ đồng.
Ảnh minh họa. |
Đáng chú ý, chi phí tài chính lại tăng đến 525% lên hơn 1.580 tỉ đồng, chủ yếu là trích lập dự phòng đầu tư theo quy định của Thông tư 48/2019. Riêng số tiền này nửa năm qua đã tiêu tốn của công ty mẹ FLC 1.380 tỉ đồng.
Tính chung nửa đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của FLC bị âm 1.303 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước lãi hơn 551 tỉ đồng.
Tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn FLC vẫn ghi nhận 6.490 tỉ đồng, tăng 3% nhưng nguồn thu không đủ bù chi khiến FLC lỗ ròng 2.729 tỉ đồng sau thuế. Đây là số lỗ ròng bán niên nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của tập đoàn và đã vượt kế hoạch dự kiến lỗ năm nay.
Giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ, bà Hải Huyền - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 và lợi nhuận gộp lần lượt giảm 20% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí trích lập dự phòng khoản đầu tư ở công ty con theo thông tư số 48 của Bộ Tài chính tăng mạnh, dẫn tới khoản lỗ ròng 1.303 tỉ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FLC đã lao dốc rất mạnh trong 9 tháng qua và hiện đóng cửa phiên 11/9 ở mức 3.120 đồng, chỉ bằng 1/3 mệnh giá cổ phần. Vốn hóa thị trường đạt hơn 2.215 tỉ đồng.
Cùng với FLC, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros cũng bị cắt giao dịch ký quỹ với cùng lý do lợi nhuận bị âm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là du lịch, hàng không, Tập đoàn FLC đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để ứng phó với giai đoạn khó khăn. Ngoài phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chiếm chủ lực, FLC phải đẩy mạnh tỉ trọng sản phẩm nhà ở thương mại, cùng với việc cơ cấu lại danh mục đầu tư dự án...
Với hãng bay trẻ Bamboo Airways của Tập đoàn FLC, do việc hạn chế đi lại và các chuyến bay quốc tế bị tạm dừng nhiều tháng qua, tập đoàn bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, dẫn tới số lỗ rất lớn. FLC vẫn duy trì các tuyến bay nội địa và mở thêm đường bay mới.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường