Liệu Trung Quốc có còn nhập mạnh cao su của Việt Nam trong năm 2022?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2022 sẽ khó khăn hơn do chính sách kiểm soát COVID-19 của phía Trung Quốc.
Ngày 6/1 vừa qua, giá cao su giảm mạnh trên toàn thị trường châu Á. Tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, giá cao su giảm. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 6/1/2021 vừa qua, lúc 14h00, kỳ hạn tháng 6/2022, giảm xuống mức 243,1 JPY/kg, giảm nhẹ 0,7 yên, tương đương 0,29%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 35 CNY, xuống mức 14.520 CNY/tấn, tương đương 0,24%. Giá cao su Nhật Bản giảm ngay cả khi giá cao su Thượng Hải giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.
Năm 2022, các Bộ ngành đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su, Trung Quốc vẫn sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu cao su số 1 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 11,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 2 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 chiếm 17,7%, tăng so với mức 15,5% của 11 tháng năm 2020.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 3,41 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 218,87 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,4% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 7,7% của 11 tháng năm 2020.
Trung Quốc hiện cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà… so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 4,43 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Việt Nam trong khoảng 11 tháng năm 2021l à thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,77 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 40% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 30% của 11 tháng năm 2020.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2022 sẽ khó khăn hơn do chính sách kiểm soát COVID-19 của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặc dù các sản phẩm của ngành cao su, đặc biệt là cao su thiên nhiên chủ yếu được tiêu thụ tại Trung Quốc- thị trường hiện không có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, song nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của Trung Quốc đang và tiếp tục thay đổi nhanh trong tương lai. Yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc về các khía cạnh môi trường và xã hội đối với các sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia này ngày càng chặt chẽ hơn.
Với mục đích đáp ứng yêu cầu của thị trường, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC. Lý do là bởi tiêu chuẩn này được nhiều thị trường và khách hàng chấp nhận, có thể đem giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, trong khi đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về môi trường và xã hội.