Lãnh đạo NHNN: Tín dụng 8 tháng tăng 7,4%, sắp công bố Thông tư sửa đổi về cơ cấu nợ
Theo Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Anh, dự thảo Thông tư sửa đổi về cơ cấu nợ, giãn nợ đã hoàn tất và sắp được công bố trong thời gian gần. NHNN sẽ mở rộng lĩnh vực cần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề cấp vốn vay như cà phê, cây ăn quả, thủy sản...
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,66% so với đầu năm và tăng 1,13% so với tháng 6.
Người đứng đầu vụ tín dụng chia sẻ tăng trưởng tín dụng tháng 8 có chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: đến cuối tháng 8, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Dòng vốn vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo từ NHNN, dòng vốn tín dụng đã được hỗ trợ kịp thời cho những lĩnh vực thiết yếu, tới các doanh nghiệp, người dân. Sau lĩnh vực lúa gạo, sắp tới, NHNN dự kiến tổ chức hội nghị để hỗ trợ lĩnh vực nông sản, cây ăn quả và có thể là lĩnh vực thủy sản.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cho biết dự thảo sửa đổi Thông tư 01 và 03 về cơ cấu nợ gần như đã hoàn thành sau khi tiếp nhận tất cả các ý kiến góp ý. Văn bản chính thức sẽ được công bố chính thức trong vài ngày tới.
Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội tín dụng đến cuối tháng 8 tăng 8,3% so với đầu năm và tăng 1% so với tháng trước. Con số này thấp hơn mức tăng 1,2% trong riêng tháng 7.
Trong khi đó, tại TP HCM, tín dụng tới đầu tháng 8 tăng 5,8% so với đầu năm và tăng 0,2% so với tháng trước. Trong 2 tháng từ khi giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16, dư nợ tăng 1,1%, trong khi 5 tháng đầu năm lũy kế gần 5%, bình quân mỗi tháng tăng 1%.
Đầu năm nay, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Vừa qua, theo lời kêu gọi của NHNN, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức giảm 0,5-3% với các dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.
Đồng thời NHNN cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) và nhận nhiều đề xuất giải pháp để gỡ khó cho cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng.
Quỳnh Đinh (t/h)