Lấn sân ngành dược phẩm, các ông lớn bán lẻ kinh doanh thế nào?
2 quý cuối cùng của năm 2021, chuỗi nhà thuốc của FPT lần đầu tiên có lãi trong khi cửa hàng An Khang có thể thu về 100 tỷ đồng/tháng, tương đương 1.200 tỷ đồng/năm. Masan và Digiworld đang có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào mảng dược phẩm.
Khi các ông lớn cùng tăng tốc
Được biết, từ năm 2018, FPT Retail chính thức thành lập CTCP Dược phẩm FPT Long Châu. Đến hết năm 2020, chuỗi nhà thuốc của FPT vượt mốc 200 cửa hàng trên toàn quốc.
Trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, hệ thống Long Châu của FPT Retail vẫn mở rộng nhanh chóng và đến hiện tại đã có 494 nhà thuốc. Như vậy, chỉ sau 4 năm, chuỗi nhà thuốc của FPT đã có gần 500 điểm bán. Trong khi đó, sau 10 năm hoạt động, hệ thống FPTShop kinh doanh hàng công nghệ làm nên thương hiệu cho FPT Retail mới có 740 cửa hàng.
Trong báo cáo thường niên năm trước, Chủ tịch HĐQT FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp khẳng định quy mô phát triển nhanh chóng của thương hiệu nhà thuốc trên chính động lực tăng trưởng lâu dài cho công ty.
Cũng không nằm ngoài cuộc đua, Thế Giới Di Động mua lại cổ phần chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang vào năm 2017 và sau đó đổi tên thương hiệu thành An Khang. Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ này chỉ thăm dò thị trường dược phẩm trong thời gian đầu, thể hiện qua việc chỉ sở hữu 49% cổ phần chuỗi nhà thuốc này thay vì nắm tỷ lệ chi phối tuyệt đối.
Tuy nhiên, quy mô hệ thống của cả FPT Retail và Thế Giới Di Động trong lĩnh vực dược phẩm vẫn còn khiêm tốn nếu đặt cạnh Pharmacity. Thành lập từ năm 2011, Pharmacity hiện vận hành 837 nhà thuốc trên toàn quốc.
Theo đó, chuỗi nhà thuốc này tăng tốc từ sau khi Mekong Capital rót vốn vào tháng 5/2019. Thời điểm đó, Pharmacity mới sở hữu chưa đến 200 cửa hàng và sau chưa đầy 3 năm, quy mô của hệ thống đã tăng 5 lần. Đáng chú ý, Mekong Capital là quỹ đầu tư có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực bán lẻ khi chính là quỹ đầu tiên rót vốn vào Thế Giới Di Động vào năm 2007 khi chuỗi này mới chỉ có chưa đến 10 cửa hàng.
Cuối năm ngoái, theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, tập đoàn Hàn Quốc đã rót vốn vào các doanh nghiệp tư nhân quy mô hàng đầu Việt Nam như Masan, Vingroup hay công ty sản xuất dược phẩm Imexpharm, chuẩn bị hoàn tất thương vụ đầu tư 100 triệu USD vào Pharmacity. Tuy nhiên, thông tin này đến nay chưa được các bên liên quan xác nhận.
Ngoài những ông lớn trên, Masan dường như cũng muốn khai thác tiềm năng của dược phẩm khi hợp tác với chuỗi Phano Pharmacy để thử nghiệm mô hình siêu thị mini tích hợp cả ki-ốt cà phê, trà sữa, nhà thuốc, dịch vụ tài chính.
Trong lĩnh vực bán buôn, Digiworld, nhà phân phối chuyên về các sản phẩm công nghệ cũng tuyên bố sẽ tập trung nhiều hơn vào dược phẩm trong năm 2022 sau 5 năm tham gia thị trường. Công ty còn đặt mục tiêu lọt vào 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất tại Việt Nam.
Bức tranh kinh doanh của các chuỗi nhà thuốc
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, tăng trưởng 133% nhưng lợi nhuận vẫn là số âm khi dồn lực đầu tư cho quá trình mở rộng.
FPT Retail hiện chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh của chuỗi Long Châu năm 2021. Tuy nhiên, tính riêng trong quý IV, doanh thu của hệ thống nhà thuốc này đã đạt hơn 1.400 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2020. Dựa vào kết quả tăng trưởng các quý trước đó, tổng doanh thu cả năm 2021 của Long Châu ước tính tăng hơn 230%, đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong hai quý cuối cùng của năm 2021, chuỗi nhà thuốc của FPT đã lần đầu tiên có lãi.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết, doanh số bình quân hiện tại của các nhà thuốc An Khang đạt 500 triệu đồng/tháng mỗi điểm bán. Tạm tính theo con số này, hơn 200 cửa hàng An Khang có thể thu về 100 tỷ đồng/tháng, tương đương 1.200 tỷ đồng/năm.
Ông Hiểu Em cho biết với mức doanh số trên, các cửa hàng An Khang đã chạm ngưỡng hòa vốn. Tuy nhiên, CEO Thế Giới Di Động cho rằng mức doanh thu trên còn thấp, khẳng định chuỗi nhà thuốc của tập đoàn này có nhiều dư địa để tăng mạnh doanh số khi nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn.
Đối với Pharmacity, dù không công khai số liệu kinh doanh cụ thể hàng năm nhưng bức tranh tài chính của hệ thống này cũng hé lộ một vài chỉ tiêu quan trọng qua các báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội những năm trước theo quy định công bố thông tin sau khi phát hành trái phiếu.
Năm 2019, Pharmacity lỗ ròng 265 tỷ đồng. Còn trong lần gần nhất công bố thông tin tài chính, Pharmacity lỗ 194 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020.