0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 12/10/2021 22:24 (GMT+7)

Làm ăn bết bát, PNJ đi 'xoay' 1.200 tỷ đồng ở đâu?

PNJ đã ra nghị quyết về hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng lên tới 1.260 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, bảo lãnh.Vậy đơn vị này vay từ nguồn nào?

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung đã ra nghị quyết về hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng lên tới 1.260 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, bảo lãnh.

tm-img-alt
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung.

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã kiểm toán, tại thời điểm 30/6, PNJ có tổng tài sản 9.176 tỷ đồng. Như vậy, khoản vay mới sẽ tương đương 14% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Cuối quý 2/2021, doanh nghiệp của nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung cũng cho biết công ty hiện đang có 3.457 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, nợ ngắn hạn là 3.447 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 9 tỷ đồng.

Trong số 3.447 tỷ đồng nợ ngắn hạn, có 2.126 tỷ đồng là vay nợ ngắn hạn. Trong số này, có 173 tỷ đồng vay cá nhân và hơn 1.952 tỷ đồng là vay các ngân hàng.

Các khoản vay cá nhân là vay tín chấp từ cán bộ công nhân viên của tập đoàn, có thời hạn vay 12 tháng và chịu lãi suất 3-7,6%/năm.

Về các ngân hàng, Vietcombank là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp của nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung với dư nợ gần 547 tỷ đồng, ngân hàng BIDV cho vay 420 tỷ đồng, Ngân hàng Vietinbank có dư nợ 371 tỷ đồng, ngân hàng SeABank cho vay 201 tỷ đồng, ngân hàng HSBC cho vay 186 tỷ đồng...

Các khoản vay này có lãi suất dao động trong khoảng 5% và hầu hết đều có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà cửa và hàng tồn kho.

Về kết quả kinh doanh, PNJ vừa trải qua 2 tháng thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, công ty báo lỗ 78 tỷ đồng trong tháng 8/2021 và lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7/2021.

Theo ước tính của SSI Research, trong tháng 9/2021, PNJ có thể sẽ tiếp tục lỗ ròng khoảng 30 tỷ đồng để nâng lỗ lũy kế trong quý 3/2021 vào khoảng 140 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận PNJ giảm mạnh trong quý 3 là do các đợt giãn cách xã hội kéo dài ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Nam kể từ đầu tháng 7. Trong quý, PNJ đã đóng cửa 274 cửa hàng (chiếm 82% tổng số cửa hàng), trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu.

Mặc dù báo lỗ trong tháng 7 và tháng 8 nhưng nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm khá tốt (riêng quý II/2021 doanh thu tăng 62% và lợi nhuận tăng 606% so với cùng kỳ) nên lũy kế 8 tháng năm 2021, doanh thu PNJ đạt 12.288 tỷ đồng, vẫn tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 625 tỷ đồng, tăng 14%. Công ty hiện đã hoàn thành 58,5% chỉ tiêu doanh thu và 50,9% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu của PNJ, doanh thu kênh lẻ lũy kế 8 tháng tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ, doanh thu sỉ tăng trưởng 3,6% và doanh thu vàng miếng tăng trưởng 24,9%.

Trong khi đó, các chuyên gia của SSI Research ước tính cả năm, doanh thu của PNJ chỉ giảm nhẹ 1,8%, đạt 17.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm mạnh hơn ở mức 9,2%, chỉ còn 971 tỷ đồng. Điểm tích cực của PNJ là nhiều đối thủ đang phải thu hẹp hoặc đóng cửa, giúp doanh nghiệp này tiếp tục tăng thị phần.

Giữa tháng 9/2021, các quỹ thành viên thuộc VinaCapital quản lý đã thông báo giảm sở hữu tại PNJ. Trong đó, Asia Value Investment Limited đã bán 371.800 cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn 2,65 triệu đơn vị, tương đương 1,17% vốn.

VOF Investment cũng giảm sở hữu từ 1,1 triệu cổ phiếu xuống còn 875.200 cổ phiếu. Sau giao dịch, tổng sở hữu của VinaCapital đã giảm từ 11,6 triệu cổ phiếu xuồng 10,9 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 4,83% vốn và không còn là cổ đông lớn từ ngày 13/9/2021.

Cao Thị Ngọc Dung là một doanh nhân nổi tiếng khi cùng chồng xây dựng ngân hàng Đông Á và công ty cổ phần đá quý Phú Nhuận PNJ. Nữ doanh nhân từng giữ vị trí giàu thứ 8 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cao Thị Ngọc Dung giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của Cty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Ngoài ra, Cao Thị Ngọc dung còn là cổ đông lớn của ngân hàng Đông Á.

Cty cổ phần đá quý Phú Nhuận tiền thân vốn là một cửa hàng kinh doanh trang sức nhỏ. Sau hàng thập kỷ phát triển, PNJ đã có đến 7000 nhân viên, hơn 450 cửa hàng. Cao Thị Ngọc Dung đã tạo nên triết lý kinh doanh cho PNJ đó là lòng tin giữa các phòng ban với nhau. Bà cho rằng kinh doanh trang sức, kim loại quý cần phải tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể kinh doanh lâu dài và phát triển. Chính niềm tin này đã gắn kết lãnh đạo, nhân viên PNJ để đạt được những thành công như ngày hôm nay.

Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “người đàn bà thép” khi bà đã giúp PNJ vượt qua giai đoạn khó khăn từ năm 2007 đến 2011. Bà cũng thành công trong việc tái cơ cấu PNJ bằng những chiến lược kinh doanh xuất sắc. PNJ dưới sự lãnh đạo xuất sắc của bà đã đạt được những mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng và trang sức hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, Cao Thị Ngọc Dung nhận doanh hiệu thành tựu trọn đời ngành kim hoàn châu Á.

Cuối năm 2019, PNJ ghi nhận lợi nhuận lên đến 1000 tỷ, doanh thu lên đến 17.000 tỷ, nắm hơn 1/4 thị phần ngành trang sức vàng. Chính sự thành công của PNJ đã giúp nữ doanh nhân sở hữu khối tài sản hơn 1000 tỷ đồng và nhiều năm nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Làm ăn bết bát, PNJ đi 'xoay' 1.200 tỷ đồng ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

OceanBank sắp về tay MB với giá 0 đồng
Sau gần 2 năm tham gia tái cơ cấu, MB đã hoàn tất thủ tục gửi lên Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng Oceanbank và đang chờ trình Chính phủ phê duyệt.
Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 3/2024
Tháng 3/2024, Ngân hàng Agribank vừa có thông báo mức lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất là 4,9% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.