Lãi suất liên tục giảm, kế hoạch lợi nhuận ngân hàng liệu sẽ khó cán đích?
Đứng trước làn sóng Covid-19 thứ 2, tín dụng tăng trưởng trì trệ và lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm, kế hoạch điều tiết lợi nhuận về cơ bản đã "vỡ".
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, từ đầu năm đến hết 28/7, tín dụng chỉ tăng trưởng 3,45% (cùng kì 2019 là 7,31%), con số này còn rất xa mục tiêu 14% cho cả năm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ và dịch bùng phát trở lại, Ngân hàng nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm 0,25-0,5% điểm trong nửa cuối năm, trong đó lãi suất huy động các kì hạn ngắn có thể giảm mạnh hơn so với các kì hạn dài.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực từng phân tích, theo đánh giá tác động của đại dịch đến các ngành kinh tế, Covid-19 đã tác động rất mạnh tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2020 đương nhiên sẽ bị sụt giảm.
Thực tế, lợi nhuận quý đầu năm của nhiều ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Song, do ngân hàng phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ từ đầu tháng 4 đến nay, nên lợi nhuận thời gian tới có thể sẽ bị tác động mạnh hơn. Nguyên nhân do các ngân hàng phải giảm lãi suất, ủng hộ chủ trương của Chính phủ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng có dễ cán đích?
Việc giảm lãi suất như hiện nay sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng giảm đáng kể. Năm 2020, nhiều ngân hàng cho biết phải điều chỉnh giảm 20 – 40% chỉ tiêu lợi nhuận.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, "những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ, Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất".
Cụ thể, cùng với các đợt giảm lãi suất diện rộng để chia sẻ khó khăn với khách hàng, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank giảm trên 2.240 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm nay, Vietcombank vẫn giữ được vị thế “anh cả” của mình với 10.982 tỷ đồng lãi trước thuế, dù có giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, “ông lớn” này lại là một trong ít nhà băng bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Do đó, khó có thể đánh giá được tiến độ thực hiện kế hoạch của nhà băng này như thế nào.
Hay tại BIDV, kể từ đầu năm cho tới nay, BIDV đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 2,5%-3%/năm so với lãi suất cho vay trước khi có dịch bệnh. Ngân hàng cũng đã giải ngân hơn 70.000 tỷ đồng trong tổng số 93.000 tỷ đồng của gói tín dụng hỗ trợ cho 5.400 khách hàng, với mức giảm lãi suất 2%/năm.
BIDV dự kiến việc hỗ trợ này sẽ khiến thu nhập của ngân hàng giảm từ 3.500 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng trong năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 5% so với cùng kỳ, chỉ còn 4.454 tỷ đồng.
So với kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng cho cả năm 2020, BIDV đã thực hiện được 36% sau 6 tháng đầu năm. Từ top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2019, hiện nay BIDV bị rớt xuống vị trí thứ 7.
Chứng khoán Sài Gòn ước tính lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng cuối năm 2020 tại BIDV tiếp tục giảm khoảng 29,6% so với cùng kỳ.
Tương tự, VietinBank, Agribank cũng sẽ bị tác động lợi nhuận sau các đợt giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, chẳng hạn Eximbank quyết định điều chỉnh giảm 40% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch ban đầu. Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã thực hiện được 42% kế hoạch 1.318 tỷ đồng lãi trước thuế được Ngân hàng đề ra.
Sacombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay giảm 20% so với thực hiện năm 2019, dự kiến đạt 2.573 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 1.428 tỷ đồng. Như vậy, Sacombank đã thực hiện được 55% kế hoạch lãi trước thuế năm 2020.
Hiện nay, các ngân hàng đều đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 dựa trên kịch bản dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát.
Tuy nhiên, đứng trước làn sóng Covid-19 thứ 2, tín dụng tăng trưởng trì trệ và lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm, kế hoạch điều tiết lợi nhuận về cơ bản đã "vỡ" và điều này gây áp lực rất lớn cho lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm. Có nhiều khả năng kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng sẽ thay đổi tiêu cực hơn so với kế hoạch kinh doanh ban đầu.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo