Kỳ vọng gì về cổ phiếu ngành bảo hiểm trong năm 2022?
Ngành bảo hiểm được dự báo sẽ đón nhận nhiều thông tin tích cực trong năm 2022 giúp hỗ trợ đã tăng giá của cổ phiếu.
Phiên giao dịch ngày 21/3 chứng kiến một loạt cổ phiếu ngành bảo hiểm tăng giá mạnh. Theo đó, hai mã BIC và MIG cùng tăng trần, trắng bên bán; nhiều mã khác cũng tăng mạnh như BMI (+6,02%), PGI (+4,74%), BVH (+4,28%),VNR (+3,68%), PVI (+2,62) và PRE (+1,02%). Trong 9 mã niêm yết, chỉ có duy nhất PTI đóng cửa trong sắc đỏ, mất 2,26% giá trị.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng bật tăng với các tên tuổi như Bảo hiểm Hàng không (AIC - tăng 4,9% ), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABI - tăng 1,38%), Tổng công ty cổ phần Bảo Long (BLI - tăng 1,74%),…
Nhóm bảo hiểm bắt đầu tạo đáy và đi lên từ cuối tháng 1 với nhiều mã đến nay đã tăng khá mạnh như BIC (+16%), BMI (+19%), MIG (+23%), PGI (+40%),...
Cổ phiếu bảo hiểm đồng loạt ''dậy sóng'' trong bối cảnh thị trường vẫn kỳ vọng về những tác động tích cực khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ sớm thoái vốn tại một số doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI) trong đầu năm nay. Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%) và 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%).
Trước đó, cổ phiếu ngành này cũng đồng loạt tăng giá vào tháng 10 và tháng 11/2021 khi Bộ Tài chính có văn bản gửi SCIC đề nghị triển khai thoái vốn tại BVH và BMI trước ngày 20/12/2021.
Chia sẻ tại họp báo hồi đầu năm nay, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết cơ quan này đã hoàn thành mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính về việc thoái vốn tại BVH; Bộ đã có văn bản tạm thời chưa triển khai cho đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết định về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt. Ở doanh nghiệp này, nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm nếu giá cả phù hợp sẽ tham gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Với Bảo Minh, mọi quy trình đã xong nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. SCIC muốn mở rộng đối tượng tham gia mua lô cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên Bảo Minh vẫn đang chờ mở room để tối đa hoá lợi ích bán vốn.
''Với các doanh nghiệp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng trong vấn đề cân đối ngân sách, nếu bán sẽ bán trong năm 2022'', Ông Tùng cho biết thêm
Nhận định về sự ảnh hưởng của việc thoái vốn nhà nước đối với giá cổ phiếu, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từng cho rằng, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.
Về triển vọng ngành bảo hiểm Việt Nam, BVSC nhận định, Việt Nam luôn nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Tuy liên tục ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019 (phi nhân thọ là 0,8%, nhân thọ là 1,9%), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%).
BVSC tin rằng, khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.
Bên cạnh câu chuyện thoái vốn và triển vọng phục hồi sau đại dịch, việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm tạo tâm lý tích cực cho cổ phiếu ngành này.
Trước đây, mặc dù không có giới hạn cụ thể về tỷ lệ FOL tại các công ty bảo hiểm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức nào đề cập đến mức room cụ thể đối với ngành bảo hiểm. Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.
Theo SSI Research, động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH). Trong tháng 12/2021, VN Post đã thoái vốn toàn bộ 22,7% cổ phần tại PTI.
Ngoài kỳ vọng trên, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn cho rằng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ sẽ được hưởng lợi khi chính sách thay đổi.
Cụ thể, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe ô tô.
Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ tháng 12/2021) được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức rủi ro của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ và giảm tỷ lệ bồi thường của sản phẩm này.
Thêm vào đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2022 dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 5/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Đã được trình lên Quốc hội, dự thảo luật mới cho thấy những thay đổi cơ bản trong việc xây dựng thị trường và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp của các bên tham gia thị trường.
Bên cạnh triển vọng ngành, giới phân tích cũng đánh giá cổ phiếu bảo hiểm sẽ là nơi trú ẩn của dòng tiền khi lạm phát và lãi suất có xu hướng gia tăng.
Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Chứng khoán VPS, 2022 sẽ là một năm tương đối khó khăn cho thị trường chứng khoán. Điều này xuất phát từ các yếu tố như Covid, chu kỳ giá hàng hóa, FED tăng lãi suất và đặc biệt là lạm phát. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu bảo hiểm là nhóm chống chịu rất nhiều với việc lạm phát, kể cả môi trường lãi suất gia tăng.