Kinh tế Việt Nam vượt trội so với các thị trường cận biên của châu Á
Fitch Ratings đánh giá Việt Nam sẽ là quốc gia sáng giá trong số các thị trường cận biên và mới nổi của châu Á trong năm nay xét về khả năng phục hồi kinh tế và thành công trong kiểm soát đại dịch.
Việt Nam là một trong số 4 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Fitch kỳ vọng sẽ có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Cho dù chịu tác động của Covid-19 đến ngành du lịch và nhu cầu xuất khẩu, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 0,36% trong quý 2/2020, phù hợp với dự báo tăng trưởng cả năm 2,8% của Fitch.
"Động lực tăng trưởng của Việt Nam một phần nhờ vào thành công trong việc kiểm soát đại dịch", Fitch đánh giá, "Điều này có thể phản ánh một loạt các yếu tố, bao gồm hiệu quả của phản ứng chính sách y tế chính thức".
Fitch dự đoán kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2021 nhờ vào nhu cầu bên ngoài hồi phục, bao gồm cả ngành du lịch.
Kinh tế Việt Nam vượt trội so với các thị trường cận biên của châu Á
Việt Nam đã ban hành kích thích tài khóa trị giá 271 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,4% GDP) để bù đắp những ảnh hưởng của đại dịch. Các biện pháp thực hiện bao gồm hoãn thuế, cắt giảm và miễn thuế, cũng như trợ cấp tiền mặt cho công nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Fitch dự báo tỷ lệ nợ trên GDP của chính phủ sẽ tăng lên khoảng 42% vào năm 2020, từ mức 37% vào năm 2019, nhưng tỷ lệ này vẫn dưới mức trung bình 59% đối với các quốc gia được xếp hạng của BB.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng môi trường lãi suất thấp và những nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc gia hạn nợ cho người vay sẽ làm tăng thêm các vấn đề về chất lượng tài sản. Những yếu tố này sẽ làm trầm trọng thêm điểm yếu trong cấu trúc ngành ngân hàng, ví dụ như bộ đệm vốn không đủ dày và báo cáo không đầy đủ về các khoản vay có vấn đề. Song, tăng trưởng tín dụng chậm lại cũng có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực về vốn.
Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài. Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu sớm cho thấy ngành thương mại nước ta cũng có bước tiến trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn bởi đại dịch.
Theo Văn phòng Dệt may Mỹ, khoảng 15,5% hàng may mặc Mỹ nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đến từ Việt Nam, tăng 2,6 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước. Việt Nam cũng thu hút được 8,7 tỉ USD vốn đầu tư thực hiện từ nước ngoài trong nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đến Mỹ và vốn đầu tư thực hiện đều thấp hơn so với cùng kì năm 2019, cho thấy Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước tình hình và tiến triển của đại dịch COVID-19.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho du khách quốc tế và kiều hối đang sụt giảm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP nhưng tác động của nó đến GDP nói chung cao hơn đáng kể thông qua các tác động lan truyền gián tiếp. Kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 tương đương hơn 6% GDP.
Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi chính sách của các đối tác thương mại chính. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8/6 giúp củng cố mối quan hệ ổn định với EU. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ.
Trước đó tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dự báo 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức khi sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp nhiều khó khăn.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Dũng đề nghị các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Cùng với đó, khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng kinh tế trọng điểm, địa phương lớn để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.
Theo Bộ trưởng Dũng, một trong các biện pháp chống suy thoái kinh tế là phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực.
Bộ trưởng đề xuất cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn...
Fitch Ratings Inc. là một cơ quan xếp hạng tín dụng. Đây là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc (NRSRO) được chỉ định bởi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ năm 1975.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm