0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 12/01/2021 17:57 (GMT+7)

Dự án điện áp mái bị nghi 'núp bóng' trang trại: Công ty Điện lực Đắk Lắk nói gì?

Nhiều người bày tỏ sự hoài khi các dự án trang trại kết hợp với điện áp mái chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng đất đã nhanh chóng sản xuất điện và đấu nối lưới điện.

Theo đó, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tiến hành việc lắp điện mặt trời áp mái. Song bên trong dự án này là những khu vực treo những bịch nấm rơm nằm chất chồng lên nhau, không được chăm sóc đã bị mốc đen.

Thậm chí, qua kiểm tra một số địa phương có công trình điện mặt trời áp mái, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đều phát hiện tồn tại nhiều vi phạm.

Chưa hoàn thành xác nhận trang trại đã đấu nối điện

Tại tỉnh Đắk Nông, một trong những địa phương đang có tốc độ phát triển nóng các công trình điện mặt trời áp mái, toàn bộ diện tích đất rộng hàng hecta đã được nhà đầu tư lắp 72 dãy khung thép, thêm lớp mái nhựa cùng gần 8.000 tấm pin mặt trời được lắp lên trên, ở dưới là chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi hoàn thành, công trình này trở thành công trình điện mặt trời trên đất nông nghiệp.

Đằng sau ‘cơn sốt’ điện mặt trời mái nhà ở Tây Nguyên

Theo thống kê của Công ty Điện lực Đắk Nông, toàn tỉnh có 19 dự án như thế này và đã được đóng điện. 57 dự án khác đã triển khai nhưng chưa đấu nối. Điều đáng nói, hầu hết dự án điện mặt trời áp mái tại đây đều được làm trên đất nông nghiệp, không chỉ gây áp lực cho vấn đề truyền tải, mà còn khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lý.

Tương tự, trên địa bàn Đắk Lắk, hình thức xây dựng dự án điện mặt trời áp mái trên đất nông nghiệp cũng đang phát triển rầm rộ. Mới đây, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra về việc tuân thủ các quy định kinh tế trang trại, sử dụng đất… đối với các trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Buôn Đôn, Cư Kuin và TP.Buôn Ma Thuột... đoàn cũng kiểm tra đã phát hiện hàng loạt những vấn đề bất cập.

Tại TP.Buôn Ma Thuột, đoàn kiểm tra 7 trang trại trồng trọt thì có tới 4 trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất. Chủ trang trại chủ yếu tập trung lắp hệ thống điện mặt trời áp mái và đã được Công ty Điện lực Đắk Lắk cho thỏa thuận đấu nối vào lưới điện.

Huyện Buôn Đôn có 29 trang trại thì 21 trang trại chưa có xác nhận trang trại, chỉ mới có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhưng đã được Công ty điện lực Đắk Lắk thỏa thuận, đấu nối vào lưới điện. Cụ thể, đoàn kiểm tra thực tế 5 trang trại thì 4 công trình chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa trồng, nuôi con gì, đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái) nhưng đã được phép đấu nối vào hệ thống điện.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại huyện Cư Kuin. Trong 20 trang trại (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, mới có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại còn lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, 14 trang trại đã được ngành điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện, và 6 trại đã có thỏa thuận đấu nối.

Sở Công Thương, lãnh đạo điện lực Đắk Lắk nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, sáng 12/1, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trương Công Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết qua kiểm tra thì một số dự án trang trại kết hợp với điện mặt trời áp mái tồn tại một số vấn đề đáng lưu tâm.

Cụ thể, các dự án này chưa triển khai hoàn thành trang trại nhưng đã sản xuất điện và được đấu nối vào hệ thống. Có dự án mới triển khai việc trồng trọt nhưng đã được đấu nối vào hệ thống điện.

“Họ sản xuất trang trại không kịp so với điện áp mái thôi. Số lượng các dự án này cũng không nhiều. Hôm qua tôi họp bên UBND tỉnh Đắk Lắk tôi cũng có phát biểu về vấn đề này rồi”, ông Hồng nói.

Cũng thông tin về vấn đề này, trả lời Kinh tế Môi trường, ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết, việc phát triển các dự án điện mặt trời áp mái cần có thời gian dài để thực hiện.

"Các doanh nghiệp mới chỉ có 1-2 tháng để xây dựng trang trại. Nếu nói người ta không làm trang trại mà chỉ kinh doanh bán điện để trục lợi là chưa đúng.

Sau 1 năm, Sở NN&PTNT và các cơ quan ban ngành chức năng sẽ có trách nhiệm tiến hành kiểm tra hoạt động trang trại theo đăng ký của đơn vị đầu tư. Họ sẽ có kết luận rõ rằng về các chủ đầu tư này có thực núp bóng trang trại để kinh doanh điện hay không", ông Chương nói.

Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp ‘vẽ’ dự án nông nghiệp nhưng chỉ để bán điện năng lượng mặt trời áp mái với giá ưu đãi là việc không thể chấp nhận được.

"Chưa kể việc phát triển ồ ạt cũng sẽ gây hệ lụy môi trường lớn sau này. Trong khi đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm để xử lý các tấm pin sau khi hết hạn, cũng như việc xử lý, bóc tách các thành phần trong pin mặt trời. Phế thải từ các tấm pin mặt trời sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới", ông Cơ cho biết.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải rà soát, nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát, làm rõ các dự án điện áp mái trên đất nông nghiệp. Đồng thời cần có những giải pháp về mặt chính sách để hạn chế tình trạng "lách" quy định để hưởng lợi.

Cần làm rõ định nghĩa điện mặt trời áp mái

Ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, điện mặt trời áp mái nếu phát triển theo đúng định hướng mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, theo ông Long, việc nhà đầu tư xây dựng trang trại lớn, "trá hình" dự án nông nghiệp công nghệ cao, thực chất chủ yếu để kinh doanh điện thì cần được xem xét lại.

"Lúc phê duyệt dự án các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải làm rõ. Nếu không phải phục vụ cho sinh hoạt, không phải tận dụng mái mà chiếm cả một vùng đất với diện tích lớn, chủ yếu là kinh doanh điện thì phải cơ chế khác", ông Long nói.

Được biết, theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp phải được Bộ Công Thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh nhiều thủ tục liên quan và được hưởng giá bán điện cao. Về vấn đề này, ông Long cho rằng, nhà nước cần sớm có những động thái thích hợp để xử lý vấn đề này.

Cũng theo ông Long, cần làm rõ định nghĩa điện mặt trời áp mái để hạn chế được tình trạng "núp bóng", "lách" quy định trục lợi.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Dự án điện áp mái bị nghi 'núp bóng' trang trại: Công ty Điện lực Đắk Lắk nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

OceanBank sắp về tay MB với giá 0 đồng
Sau gần 2 năm tham gia tái cơ cấu, MB đã hoàn tất thủ tục gửi lên Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng Oceanbank và đang chờ trình Chính phủ phê duyệt.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 3/2024
Tháng 3/2024, Ngân hàng Agribank vừa có thông báo mức lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất là 4,9% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân

Tin mới