0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 28/12/2021 16:40 (GMT+7)

Kiều hối năm 2021 về Việt Nam tăng 10% so với năm 2020

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương.

tm-img-alt
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Với con số ước tính khoảng 12,5 tỷ USD, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%.

Trả lời băn khoăn của phóng viên Báo người Lao động về sự chênh lệch giữa con số này với thông tin vừa được đưa trên báo chí về việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định đây là số thống kê của NHNN và hằng năm, con số thống kê của NHNN được coi là con số chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá vì NHNN có trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ thống kê con số này.

Cũng theo Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, trong năm qua NHNN điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đã điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.

Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen", ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.

"Đến thời điểm hiện tại, tín dụng đã tăng trưởng 12,97%, dự kiến năm nay tăng 14%"- Phó Thống đốc Thường trực thông tin thêm.

Bạn đang đọc bài viết Kiều hối năm 2021 về Việt Nam tăng 10% so với năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới