0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 20/05/2020 13:14 (GMT+7)

Khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam cảnh giác công ty lừa đảo tại Thổ Nhĩ Kỳ

Trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp không có thật tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng nhu cầu cao về một số mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam để lừa đảo.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong tình dịnh SARC-Covi-2 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu về các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như găng tay, khẩu trang, bộ quần áo kháng khuẩn, bao gồm cả nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất mặt hàng hóa phục vụ chống dịch như vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn, vải may bộ quần áo kháng khuẩn...cũng tăng cao.

Lợi dụng nhu cầu tăng cao, thời gian cấp bách và tìm mua hàng khó khăn, nhiều cá nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng những công ty không có đăng ký kinh doanh, nói cách khác là doanh nghiệp không có thật để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc tiền mua hàng của doanh nghiệp nhập khẩu, do điều kiện thanh toán thường được sử dụng là thanh toán toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng hoặc đặt cọc tỷ lệ nhất định. Đối với những khoản tiền đã được chuyển cho doanh nghiệp lừa đảo này khả năng thu hồi là không cao, nhất là các khoản tiền chuyển vào các tài khoản mang tên chủ tài khoản là cá nhân.

ssfg

Cảnh giác những trang thông tin lừa đảo.


Các đặc điểm dễ nhận thấy của các doanh nghiệp không có thật bao gồm:

- Tên doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ không có thông tin về loại công ty như Công ty trách nhiệm hữu hạn (kết thúc tên công ty bằng chữ viết tắt loại hình: “Sti. Ltd.” hay “Limited Şirket”), công ty cổ phần (kết thúc tên công ty bằng “A.S.” hay “Anonim Şirket”)

- Trang web không có địa chỉ doanh nghiệp rõ ràng hoặc địa chỉ không có thật

- Không có số điện thoại cố định, số điện thoại cố định thường bắt đầu bằng mã quốc gia +90 và mã tỉnh (gồm 3 chữ số), ví dụ như: +90 (xxx) xxx xxxx hoặc +90 (xxx) xxx xxx

- Chỉ cung cấp số điện thoai di động, gồm 10 chữ số bắt đầu bằng đầu số +90 5xx và có dạng +90 5xx xxx xxxx (x là các chữ số từ 0 đến 9).

- Email liên hệ thường không sử dụng tên miền của Thổ Nhĩ Kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất có uy tín thường sử dụng tên miền sở tại có dạng: tên@tên-công-ty.com.tr và rất hiếm khi sử dụng các email miễn phí như Gmail, Yahoo, Hotmail…

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần kiểm tra kỹ càng tính pháp lý của doanh nghiệp đối tác như yêu cầu cung cấp số đăng ký kinh doanh tại các Phòng Thương mại hoặc Phòng Công nghiệp hoặc Phòng Công nghiệp Thương mại tại các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để được hỗ trợ kiểm tra.

Hiện nay, nhiều mặt hàng liên quan đến chống dịch Covid-19 của Thổ Nhĩ Kỳ chịu các chính sách quản lý xuất khẩu chặt chẽ. Hầu hết các mặt hàng nêu trên khi xuất khẩu đều phải có giấy phép xuất khẩu của Cục Quản lý Dược phẩm và Thiết bị Y tế thuộc Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ mặt các loại vải không dệt không thuộc nhóm giấy lọc kháng khuẩn (melt-blow non-woven fabric) nhóm mã HS 5603.

Từ tháng 3 năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ quy định giấy phép xuất khẩu như khẩu trang, quần áo kháng khuẩn, kính dùng trong bộ quần áo kháng khuẩn, nước rửa tay sát trùng, vải không dệt dùng làm giấy lọc kháng khuẩn (nhóm mã HS 5603), máy thở… do nhu cầu trong nước tăng cao để phòng chống dịch Covid-19. Do đó các doanh nghiệp nhập khẩu cần yêu cầu đối tác xuất khẩu chứng minh có giấy phép xuất khẩu trước khi giao dịch và chuyển tiền đặt cọc hay thanh toán. Hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp đã chào hàng các mặt hàng nêu trên nhưng chưa có giấy phép xuất khẩu và những trường hợp này khá rủi ro cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Riêng về mặt hàng vải học kháng khuẩn hay còn gọi là giấy lọc kháng khuẩn (melt-blown non-woven fabric) và vải không dệt SMS (Spunbond-Meltblown-Spunbond) hay SMMS, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đặt hàng tại tất cả các nhà máy và chỉ cho xuất khẩu các mặt hàng này nếu như doanh nghiệp đã giao hàng đầy đủ cho các đơn hàng của Bộ Y tế, tuy nhiên kế hoạch đặt hàng của Bộ Y tế có thể thay đổi (tăng, giảm) nên các nhà máy sản xuất khó chủ động giao hàng gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận được yêu cầu hỗ trợ của một doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam mua mặt hàng bột nhẹ (soda ash) của một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng doanh nghiệp này không hề tồn tại trên thực tế.

Doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu có trang web (tên miền .com) và địa chỉ công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi giao kết hợp đồng, doanh nghiệp lừa đảo gửi một bộ chứng từ đầy đủ bị làm giả bao gồm cả vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... Vận đơn của lô hàng cũng do một công ty vận tải giả mạo phát hành và công ty này cũng có một trang web, trên đó có cả mục tra cứu vị trí của lô hàng nhưng thông tin này đều không có trên thực tế. Doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng nhưng không kiểm tra doanh nghiệp có thật hay không và sau khi nhận bộ chứng từ giả đã chuyển tiền đến một tài khoản của một doanh nghiệp bên thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có thật theo yêu cầu của công ty lừa đảo.

Tiếp đó, doanh nghiệp lừa đảo tiếp tục yêu cầu người mua chuyển tiếp một khoản tiền cước nữa nếu không sẽ không cho hàng lên tầu trong khi hợp đồng ký với điều kiện CIF Hải Phòng. Đến lúc này doanh nghiệp mới liên hệ với Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị kiểm tra, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn tin là hàng đã đi vì kiểm tra trên trang web của công ty vận tải cấp vận đơn giả mạo vẫn có kết quả tầu đang ở một cảng tại đảo Síp. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục liên hệ và được doanh nghiệp là bên thứ ba nêu trên thông báo có nhận được các khoản tiền hàng và yêu cầu chuyển thêm 1.000 USD nữa thì sẽ chuyển trả lại khoản tiền đã chuyển vào tài khoản của họ.

dgg

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần kiểm tra kỹ càng tính pháp lý của doanh nghiệp đối tác.


Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm tra và nhận thấy tất cả các doanh nghiệp được đề cập đều không có trong danh sách các doanh nghiệp đăng ký tại phòng thương mại và công nghiệp và phòng hàng hải tại địa phương. Doanh nghiệp lừa đảo có trang web có vẻ rất chuyên nghiệp và bắt mắt, có đủ thông tin liên hệ và không dễ dàng nhận ra một số yếu tố đáng nghi ngờ do khó nhận biết như số điện thoại không có số cố định (có mã vùng) và là số di động (bắt đầu là +90 5xx …). Số điện thoại liên hệ được sử dụng để trao đổi với doanh nghiệp nhập khẩu là số di động và dùng phần mềm WhatsApp để giao dịch với người mua. Thương vụ kiểm tra và phát hiện là các số di động của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sử dụng tại Bắc Síp và không trả lời.

Bên cạnh việc kiểm tra qua các nguồn thông tin, Thương vụ cũng liên hệ trực tiếp với Phòng Thương mại địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra thêm lần nữa và được xác nhận lại tất cả các doanh nghiệp đều không tồn tại. Phòng cũng cảnh báo nhiều người tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống đã lập trang web rồi lừa đảo và phòng đã gặp phải rất nhiều trường hợp lừa đảo tương tự. Thương vụ cũng đã liên hệ với ngân hàng có tài khoản công ty lừa đảo nhận tiền chuyển từ Việt Nam và được trả lời ngân hàng này không thể cung cấp thông tin về tài khoản cũng như khoản tiền do nguyên tắc hoạt động của ngân hàng sở tại. Ngân hàng cũng chỉ hướng dẫn doanh nghiệp bị lừa đảo cần liên hệ và ủy quyền cho luật sư khởi kiện ra tòa án tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngân hàng chỉ thực hiện theo yêu cầu của tòa án. Ngân hàng cũng không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các doanh nghiệp giao dịch với các doanh nghiệp sở tại cần có bước kiểm tra tư cách pháp lý của đối tác và liên hệ với Thương vụ để được hỗ trợ và ngăn chặn các vụ lừa đảo. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý và cảnh giác khi khách hàng yêu cầu chuyển tiền đến một tài khoản của một bên thứ 3 để tránh các trường hợp lừa đảo như nêu trên hoặc bị hacker làm giả email giao dịch của các bên để chiếm đoạt tiền.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam cảnh giác công ty lừa đảo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023