Khuyến cáo: Cẩn trọng với độc tố tự nhiên có trong so biển
Con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ nhầm lẫn.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2010 - 2019, toàn quốc ghi nhận 33 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong so biển. Trong đó, có 69 người mắc, 18 người chết, 58 người đi viện.
Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5 toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển làm 12 người mắc, 11 người đi viện điều trị và một người tử vong.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận số vụ, số mắc, số chết do ngộ độc độc tố tự nhiên trong so biển cao nhất giai đoạn 2010 - 2020 như Tiền Giang (3 vụ), Long An (3 vụ), Bến Tre (3 vụ)…
Phân biệt con so biển và sam biển
Con sam biển (tên khoa học Tachypleus tridentatus) thường phân bố vùng ven biển, sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau. Mỗi cặp sam thường đẻ rất nhiều trứng do đó người ta thường bắt sam để lấy trứng ăn là chính. Sam trưởng thành nặng 1,5-2 kg. Chúng có vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20 cm), dưới bụng có tám chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Sam cái nặng khoảng 1 kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác.
Trong khi đó, so biển (tên khoa học Carcinoscorpius rotunicauda) là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển, nơi các lạch nước ngọt. Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20 - 25 cm, không kể đuôi, toàn thân màu xanh nâu đậm. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Điểm khác biệt rất dễ nhận thấy là sam lúc nào cũng đi đôi, còn so biển nhỏ hơn sam và chỉ đi một mình.
Trứng sam là thức ăn ngon và bổ, còn trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, cực độc giống độc tố của cá nóc, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy. Chất độc có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Những vụ ngộ độc thức ăn do tetrodotoxin thường rất nặng. Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ sau vài giờ sau khi ăn các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, nạn nhân tử vong nhanh chóng. Liều tử vong đối với người là 1-2 mg độc chất tetrodotoxin.
Để phòng, chống ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm cũng đã khuyến cáo người dân nên thận trọng khi lựa chọn sam biển và so biển. Tuyệt đối không ăn so biển kể cả thịt và trứng của chúng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm