Không để xuất khẩu vải bị chi phối bởi một thị trường
Việc đa dạng thị trường xuất khẩu vải sẽ tránh được rủi ro khi xuất sang Trung Quốc.
Gần 1 tháng nay, nhiều tư thương, doanh nghiệp đã đến làm thủ tục hải quan, xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Lượng hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đến thời điểm này mới đạt khoảng 3.500 tấn quả vải tươi được làm thủ tục, bằng khoảng 1/5 so với mọi năm.
Lý giải về thực trạng trên, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: "Trong thời điểm hiện nay, mặt hàng vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là xuất qua loại hình tiểu ngạch, không có hợp đồng mua bán ngoại thương. Lượng vải thiều xuất khẩu giảm có thể do chủ hàng phía Trung Quốc họ chỉ định giao hàng tại cửa khẩu nào thì các chủ hàng của Việt Nam giao tại cửa khẩu đó".
Không chỉ quả vải tươi, nhiều loại hàng nông sản khác cũng đang trong tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều tiết của các tiểu thương Trung Quốc. Điều này càng đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, kiểm dịch, mẫu mã... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch nhằm chủ động kế hoạch kinh doanh, hạn chế rủi ro và thiệt hại.
Vải thiều đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới
Sớm nhận thức rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore... và mở rộng xuất khẩu vải thiều vào các thị trường khó tính khác như: Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Canada. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tương tự Bắc Giang, đến nay đã có hơn 100 tấn vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên được xuất sang thị trường Đông Âu và Trung Quốc, với mức giá ổn định trên 20.000 đồng/kg, giá các thương lái các tỉnh, thành phố trong nước đến thu mua; riêng với vải trứng, có giá trên 60.000 đồng/kg.
Vải thiều Việt Nam đang vào chính vụ
Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho hay, trên địa bàn có gần 2.000 ha trồng vải lai chín sớm, trong đó, hơn 800 ha đang cho thu hoạch. Các diện tích trồng vải ở đây đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc. Các hợp tác xã trồng vải thực hiện quy trình thâm canh VietGAP được cấp mã OTAS xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường châu Âu. Vụ năm nay sản lượng sẽ đạt hơn 9.000 tấn. Giá bán ở mức từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Hơn nữa, tỉnh Hưng Yên chủ động lập kế hoạch triển khai xúc tiến tiêu thụ vải nhãn và tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tỉnh Hưng Yên từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 tại tỉnh này
Không chỉ Hưng Yên mà tỉnh Hải Dương nổi tiếng với vùng vải thiều Thanh Hà cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vải thiều đang vào vụ thu hoạch. Những ngày cuối tháng 5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương và huyện Thanh Hà đã tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia năm 2020.
Ước tính, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Global GAP của tỉnh Hải Dương phục vụ xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản và thị trường cao cấp với sản lượng khoảng 1.500 tấn. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bao tiêu vải Hải Dương để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với tổng sản phẩm các doanh nghiệp đăng ký thu mua xuất khẩu khoảng 4.000 tấn... Các doanh nghiệp đang thu mua trên 500 tấn vải/ngày.