Khoản vay ngắn hạn của Công ty CP Đông Hải Bến Tre
Công ty CP Đông Hải Bến Tre đã thống nhất việc vay vốn tại ngân hàng, đây là khoản vay ngắn hạn với mục đích bổ sung vốn lưu động, tài trợ thương mại – nhập khẩu.
Thông tin từ lãnh đạo Công ty CP Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 8 tháng đầu năm khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 201 tỷ đồng, tăng 224%.
Lãnh đạo công ty cho rằng mức tăng trưởng này đến từ đóng góp của nhà máy giấy Giao Long 2, vốn đã bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 9/2019.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính lãi ròng của riêng tháng 8 là 17 tỷ đồng, cao hơn mức 10 tỷ của tháng 6 và 15 tỷ của tháng 7. Sự cải thiện này nhờ giá bao bì thành phẩm tăng so với các tháng trước đó, giá bán giấy trung bình (ASP) theo hợp đồng giai đoạn tháng 7-10 có thể tăng 2-3% mỗi tháng.
Khoản vay ngắn hạn của Công ty CP Đông Hải Bến Tre |
Các tháng còn lại, Đông Hải Bến Tre kỳ vọng lãi ròng mỗi tháng vào khoảng 20 tỷ đồng. Theo đó VCSC ước tính lãi ròng cả năm có thể đạt 280 tỷ đồng, tăng 54%.
Cho năm 2021, lãnh đạo công ty cho rằng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 10% nhờ đóng góp doanh thu từ dòng sản phẩm giấy mới (giấy kraftliner) và khả năng các gián đoạn do dịch Covid-19 hạ nhiệt.
Công ty CP Đông Hải Bến Tre cũng đã đặt máy móc và thiết bị cho nhà máy giấy bao bì mới P2 và kỳ vọng đưa nhà máy này vào hoạt động đầu năm 2021 và tăng công suất giấy bao bì hàng năm thêm 130% (từ 47 triệu đơn vị lên khoảng 130 triệu đơn vị).
Công ty cũng có kế hoạch sử dụng 10% công suất của nhà máy giấy Giao Long 2 để sản xuất giấy kraftliner từ năm 2021. Giá bán giấy kraftliner cao hơn 30-40% giá các sản phẩm giấy hiện tại của doanh nghiệp. Hiện Việt Nam mới có SCG (Thái Lan) và Nine Dragons (Trung Quốc) cung ứng loại giấy này.
Ban lãnh đạo DHC tái khẳng định nhà máy giấy mới Giao Long 3 sẽ có công suất lớn hơn nhà máy Giao Long 2 và có khả năng sản xuất các loại giấy cao cấp hơn. VCSC ước tính nhà máy Giao Long 3 sẽ tăng tổng công suất giấy thêm tối thiểu 80%. Công ty đang thực hiện nghiên cứu khả thi và xin giấy phép đầu tư từ Chính phủ cho nhà máy Giao Long 3.
Mới đây, công ty đã thống nhất việc vay vốn tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, đây là khoản vay ngắn hạn với mục đích bổ sung vốn lưu động, tài trợ thương mại – nhập khẩu. Số tiền nhận cấp tín dụng là 50 tỷ đồng, thời gian 1 năm.
Doanh nghiệp cho biết, sẽ dùng các khoản phải thu từ khách hàng với giá trị 60 tỷ đồng để bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh từ việc vay vốn từ ngân hàng. Gần đây, doanh nghiệp có sự biến động khá lớn về cơ cấu cổ đông và sở hữu.
Trước đó trong tháng 9/2020, bà Mai Huyền Ngọc đã bán ra 2.700 cổ phiếu, ông Lê Quang Hiệp, Thành viên HĐQT bán ra 100.000 cổ phiếu. Trong tháng 7/2020, bà Hồ Thị Song Ngọc bán ra 35.000 cổ phiếu.
Đáng chú ý nhất phải kể đến trong giai đoạn tháng 7/2020 khi nhóm cổ đông liên qua gồm Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI bán ra gần 3,5 triệu cổ phiếu; Quỹ Daiwa – SSIAM Vietnam Growth Fund II LP bán ra gần 7,7 triệu cổ phiếu…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm