0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 15/07/2020 16:40 (GMT+7)

Khách hàng lại 'cầu cứu' vì bỗng dưng... mất tiền trong tài khoản!

Gần 6 tỷ đồng tiền gửi của một khách hàng 'không cánh mà bay' khỏi tài khoản tại ngân hàng OCB. Trước đó, một số khách hàng gửi tiền tại Eximbank, TPBank cũng gặp 'hạn' tương tự.

Mới đây, thông tin một khách hàng gửi tiền tiết kiệm gần 6 tỷ bỗng dưng ‘không cánh mà bay’ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khiến dư luận quan tâm.

Cụ thể, tờ Người Đưa Tin mới đây có đưa tin, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở của OCB để thực hiện các giao dịch tiền gửi. Đến tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm với số tiền 4,7 tỷ đồng. Và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm khác với số tiền 1 tỷ đồng.

Thế nhưng ngay sau đó, hai sổ tiết kiệm này được OCB trả lời là sổ tiết kiệm giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo (nhân viên OCB tại thời điểm bà Hằng gửi tiền). Bà Hằng yêu cầu làm việc nhưng OCB cho rằng, không phải trách nhiệm của mình nên không giải quyết. Đáng chú ý, mặc dù OCB chối bỏ hết trách nhiệm với khách hàng, nhưng hiện tại ngân hàng này vẫn thu phí tham gia tiết kiệm TM gói vàng hàng tháng của bà Hằng.

o1

 Ngân hàng OCB 'phủi' trách nhiệm liên quan tới khoản tiền gửi của bà Hằng.

Theo chia sẻ của nạn nhân, vì quá tin tưởng vào uy tín cũng như tên tuổi của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khách hàng nhiều lần đem tiền đến hội sở ngân hàng để mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, về phía ngân hàng luôn tung ra nhiều chương trình ưu đãi lãi suất hấp dẫn để khách hàng tin tưởng và gửi tiền vào nhiều hơn. Bản thân bà Hằng cũng đã phải đi huy động tiền bạc của những người thân trong gia đình để mở sổ tiết kiệm tại OCB để mong nhận được những ưu đãi đó. 

Phó giám đốc chi nhánh Eximbank "rút ruột" tiền của khách

Thực tế, bà Hằng không phải là khách hàng đầu tiên bị nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi. Trước đó, tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM) cũng xảy ra sự việc tương tự.

o2

Sau thời gian kiện tụng, bà Chu Thị Bình đã nhận đủ toàn bộ tiền gốc và lãi là 360,4 tỷ đồng. 

Cụ thể, tờ Dân Trí ngày 19/4/2019 đưa tin, theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017, Lê Nguyễn Hưng (Phó giám đốc Eximbank TP.HCM) giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê, lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong, để rút tiền của Eximbank chi nhánh TP.HCM qua các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.   Đồng thời, Hưng tạo sự tin tưởng cho các nhân viên Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền, chi tiền mặt... tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỷ đồng. Trong đó, Thủy tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt 240 tỷ đồng, các bị cáo còn lại phải chịu trách nhiệm với khoản thiệt hại 3-15 tỷ.

Sau bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên ngày 23/11/2018, Eximbank kháng cáo để tòa phúc thẩm xem xét đầy đủ và khách quan về vụ việc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp. 

Sau khi biết thông tin Eximbank có kháng cáo, bà Chu Thị Bình đã đến Eximbank rút toàn bộ 245 tỷ đồng tiền gốc tại đây vì thấy phía ngân hàng bất nhất, không hợp tác. Đồng thời gửi đơn kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỷ đồng, lãi suất phát sinh cho 245 tỷ đồng mà TAND TPHCM tuyên Eximbank phải tất toán cho bà Bình.

Ngoài ra, bà Bình đề nghị xem xét trách nhiệm của tổng giám đốc và ban quản lý Eximbank chi nhánh TPHCM đã buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng phạm tội.

Tháng 4/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm. Tại đây, bà Chu Thị Bình cho biết bản thân không có lỗi trong việc ông Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đồng thời, bà còn yêu cầu Eximbank công khai xin lỗi tại tòa và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khách hàng cũng như phán quyết từ tòa án.

Còn phía Eximbank không đồng ý trả lãi suất vì cho rằng bà Bình phải chịu một phần trách nhiệm dân sự trong vụ việc.

Sau khi xem xét, HĐXX kết luận ngân hàng áp dụng cách tính lãi không kỳ hạn đối với 3 sổ tiết kiệm đứng tên bà Chu Thị Bình là trái quy định Ngân hàng Nhà nước. Do đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà Bình, buộc Eximbank trả cho bà Bình tiền lãi phát sinh tới ngày 18/4/2019 là hơn 115,4 tỷ đồng tiền lãi.

Đến tháng 5/2019, Eximbank đã thanh toán đủ số tiền gửi tiết kiệm 245 tỷ đồng, 115,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng lãi phạt cho khách hàng Chu Thị Bình theo phán quyết của toà phúc thẩm.

Trong đó số tiền 245 tỷ đồng được trả vào tháng 8/2018. Sau phán quyết của toà phúc thẩm có hiệu lực ngày 19/4, ngân hàng này tiếp tục trả cho bà Chu Thị Bình 115,4 tỷ đồng tiền lãi. Như vậy, bà Chu Thị Bình đã nhận đủ toàn bộ tiền gốc và lãi là 360,4 tỷ đồng.

PGĐ chi nhánh ngân hàng Tiên Phong (TPBank) tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng

Ngày 14/11/2019, tờ Dân Trí cũng từng đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Thương từng giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Phạm Hùng.

Nguyễn Hoài Thương đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của ngân hàng này.

o3

 Chân dung Nguyễn Hoài Thương. Ảnh Báo Đất Việt

Theo thông tin từ TPBank, đại diện phía ngân hàng cho biết, sự việc được chính TPBank phát hiện trong quá trình rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ để đảm bảo an toàn cho ngân hàng và tài sản của khách hàng. Đây là việc làm định kỳ hàng tháng tại TPBank.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Khách hàng lại 'cầu cứu' vì bỗng dưng... mất tiền trong tài khoản!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới