Hòa Bình: Cam Cao Phong vững giá trước biến động thị trường
Cam Cao Phong đã gắn liền với địa danh huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm nay, đây là loại cam có thương hiệu uy tín đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (đặc sản vùng miền) tại Việt Nam và EU.
Hiện nay, miền bắc đang vào chính vụ thu hoạch cam tuy nhiên giá các loại cam trên thị trường rất khác nhau, cùng một giống cam nhưng giá bán giao động từ 5.000-30.000 đồng/kg tùy theo từng vùng sản xuất.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của nhiều loại cam trên thị trường, cam Cao Phong vẫn luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nhất là người dân Hà Nội.
Trên thị trường trong nước, cam Cao Phong đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa thích |
Cam Cao Phong là một thương hiệu đã khẳng định được uy tín từ sáu năm nay, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (đặc sản vùng miền) tại Việt Nam và EU. Vì vậy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm lạm dụng uy tín và gắn mác là cam Cao Phong để tiêu thụ.
Tuy nhiên, những sản phẩm cam có nguồn gốc xuất xứ đúng nghĩa từ huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vẫn có giá bán vững tại thị trường. Hiện tại, cam lòng vàng giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg.
So với cam của các địa phương, cam Cao Phong luôn có mức giá tốt (cam Tuyên Quang khoảng 5.000 đồng/kg, cam Hà Giang từ 6.000 - 7.000 đồng/kg…).
Được biết, Toàn huyện Cao Phong có trên 2.800 ha cây ăn quả có múi, diện tích thời kỳ kinh doanh trên 2.000 ha, diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản trên 798 ha. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng dự kiến trên 30.000 tấn.
Nhằm nâng cao chất lượng cam quả, từ năm 2015 đến nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha với 807 hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.147 ha được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đến thời điểm này, toàn huyện Cao Phong đã tiêu thụ được khoảng 60 - 70% sản lượng cam, khoảng 18 nghìn tấn.
Thời gian qua, để giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ người trồng cam kỹ thuật sản xuất, trong đó quan tâm thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, rệp sáp hại rễ, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, chế phẩm sinh học; sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, ngành đã hỗ trợ người trồng cam Cao Phong kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm