0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 12/05/2022 07:50 (GMT+7)

Hiện Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu

Ngày 11/5, Ukraine cho biết nước này dừng vận chuyển một phần khí đốt của Nga tới châu Âu vì tình huống "bất khả kháng" khi một điểm nối nằm ở khu vực không do chính phủ Ukraine kiểm soát.

Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu, trong đó có cả trung chuyển qua Ukraine bất chấp tình hình chiến sự cũng như làn sóng trừng phạt từ Phương Tây.

Khí đốt sang châu Âu vẫn được Nga vận chuyển

Thông tin của Công ty khí đốt Ukraine Naftogaz cho biết, "trường hợp bất khả kháng" khiến việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua điểm nối Sokhranovka nằm ở khu vực Lugansk là điều không thể và đề xuất chuyển hướng sang điểm nối ở khu vực Sumy hiện do Kiev kiểm soát.

Hiện Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu - Ảnh 1
Hungary và 9 quốc gia châu Âu khác vẫn đang mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Mặt khác, theo tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, việc chuyển hướng không thể thực hiện được về mặt công nghệ và cảnh báo việc ngừng vận chuyển qua điểm nối Sokhranovka, với khoảng 32,6 triệu m3/ngày, có thể sẽ khiển lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ucraina giảm 1/3.

Các chuyên gia cho rằng, thực tế là phía Ukraine đã mất quyền kiểm soát một phần việc vận chuyển khí đốt qua các vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông.

Tổng nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu là khoảng 300 triệu m3/ngày và được vận chuyển qua 3 con đường: qua "Dòng chảy Thổ Nhĩ kỳ", qua Ukraine và "Dòng chảy phương Bắc". Lớn nhất trong số này là Dòng chảy phương Bắc, còn được biết đến là đường ống dẫn khí đốt biển Baltic, với khoảng 167 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Trong khi lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine mỗi ngày là gần 96 triệu m3.

Hiện Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu, trong đó có cả trung chuyển qua Ukraine bất chấp tình hình chiến sự cũng như làn sóng trừng phạt từ Phương Tây.

Hiện có khoảng 10 nước châu Âu đồng ý thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng Ruble, theo yêu cầu của Tổng thống Putin đối với các nước không thân thiện, kể từ ngày 1/4 vừa qua.

Khí đốt Nga 10 quốc gia EU âm thầm mua bằng Ruble

Mới đây, một quan chức của Hungary cho biết, 10 nước châu Âu vẫn đang âm thầm mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble.

Theo hãng tin RT của Nga dẫn lời Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố sẽ không mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble, nhưng về mặt kỹ thuật, 10 nước châu Âu vẫn đang thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hiện Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu - Ảnh 2
Công nhân làm việc tại một trạm phân phối khí đốt ở Nga. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Gulyas nói, Hungary đã mở một tài khoản sử dụng đồng Euro tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó ngân hàng này chuyển sang thanh toán bằng đồng Ruble cho các nhà cung cấp ở Nga.

Cùng với đó, hệ thống này cho phép khách hàng mua khí đốt của Nga từ châu Âu thực hiện theo yêu cầu của ông Putin đưa ra hồi cuối tháng 3 là các quốc gia "không thân thiện" sẽ chuyển sang thanh toán các đơn hàng khí đốt bằng đồng tiền của Nga.

"Có 9 quốc gia khác cũng đang sử dụng phương thức thanh toán tương tự như chúng tôi", ông Gulyas nói, đồng thời cho rằng lãnh đạo những nước đó sẽ không công khai với quốc tế cũng như người dân của họ về điều này.

Ông Guylas không tiết lộ cụ thể các nước châu Âu nào, nhưng cuối tuần trước Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom "khóa van" cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng đồng Ruble, có 10 thành viên của khối này đã thiết lập tài khoản thanh toán với Gazprombank và 4 nước đã thực sự thanh toán khí đốt cho Nga bằng phương thức này.

Hungary phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong tất cả lượng khí đốt nhập khẩu. Do đó, quốc gia châu Âu này đã phản đối lệnh trừng phạt của EU đối với mặt hàng quan trọng này.

"Chúng ta không thể áp dụng các lệnh trừng phạt mà chủ yếu là trừng phạt chính chúng ta thay vì nước mà chúng ta muốn trừng phạt", ông nói và đề cập đến giá năng lượng đang tăng vọt trên toàn châu Âu.

Dù chính phủ Budapest vẫn phản đối hành động quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng ông Guylas vẫn cho rằng họ sẽ "tiếp tục mua năng lượng với giá rẻ nhất có thể" để bù đắp chi phí cho người dân Hungary.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner trước đó đã lên tiếng khẳng định Đức không đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble và không có kế hoạch chấp thuận yêu cầu của Nga trong tương lai.

Ông Lindner cho biết Đức sẽ tìm mọi cách để độc lập về năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt.

Trong khi đó, các quan chức Phần Lan thừa nhận nếu không có khí đốt của Nga, Phần Lan cần phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Các vấn đề ở châu Âu và chỉ đạo quyền sở hữu của Phần Lan Tytti Tuppurainen cho biết nước này đã quyết định không chấp nhận điều khoản thanh toán bằng đồng Ruble của Nga.

Nga đang thực hiện động thái mạnh mẽ khi cắt nguồn cung khí đốt sang 2 quốc gia châu Âu là Ba Lan và Bulgaria. Động thái này được cho sẽ khiến leo thang căng thẳng và làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga mở rộng lệnh cấm sang các quốc gia khác.

Khí đốt chiếm khoảng 1/4 sản lượng năng lượng của Liên minh châu Âu và Nga thường cung cấp khoảng 40% trong tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của khối.

Châu Âu đang phải đối mặt với những cú sốc kinh tế diễn ra đồng thời kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra làm giá thực phẩm và giá năng lượng tăng cao. Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ, tức tăng trưởng kinh tế thấp trong khi lạm phát cao.

"Việc Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu có thể đẩy khu vực này rơi vào suy thoái", nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg và nhà kinh tế cao cấp Kallum Pickering nói và cho rằng điều này sẽ làm GDP của khu vực đồng euro trong năm 2023 giảm 3 điểm phần trăm so với mức cơ sở.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Hiện Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.