Hàng loạt nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa vì dịch Covid-19
Hàng loạt cửa hàng kinh doanh, nhà hàng ăn tại Hà Nội đã phải ra thông báo tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Trước diễn biến mới về tình trạng dịch Covid-19 ở Hà Nội, nhiều nhà hàng, quán ăn và quán cà phê trên khắp địa bàn thủ đô quyết định đóng cửa, tạm nghỉ bán để góp phần tích cực vào công tác phòng tránh lây lan virus corona.
Vào thời điểm Hà Nội bùng phát dịch, ngày 9-10/3, nhiều quán ăn cùng các hệ thống nhà hàng như Buffet Poseidon, Nabesu, Tepan Mix, Lẩu Phan, Buffet Chef Dzung… thông báo tạm đóng cửa trên fanpage chính thức. Các nhà hàng này đều cho rằng sức khỏe cộng đồng cần được đưa lên hàng đầu và rất lấy làm tiếc khi phải tạm nghỉ phục vụ khách hàng.
Trước đó, ngày 7/3, sau khi ca Covid-19 số 17 được xác nhận, một số quán xá ở Hà Nội như nhà hàng Tầm Vị, bún bò Huế Vân Đình, Dato Coffee, Tranquil Books & Coffee, Cư Xá Cà Phê... đã có động thái ngay lập tức với việc đăng tải thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh.
Trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), hàng phở Lý Quốc Sư nổi tiếng vốn đông thực khách thường ngày nay cũng tạm đóng cửa. Theo thông báo, cửa hàng phở Lý Quốc Sư này nghỉ từ ngày 8 đến ngày 20/3 do dịch Covid-19.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân thủ đô cũng chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh tập trung, tụ tập đông người, dẫn đến tình trạng hàng quán vắng vẻ, không có khách. Nhiều khu vực và địa điểm vui chơi, giải trí ở Hà Nội cũng thực hiện và khuyến khích mọi người phòng tránh dịch bằng nhiều biện pháp theo chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh, và Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình.
Do đó sẽ chấp nhận hi sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.
Với khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba là phương châm, quyết tâm hành động nên Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, cần phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn. Đặc biệt các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.
"Chúng ta phải đưa ra mục tiêu và cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Vì thế, chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống", Thủ tướng nêu.
Vì vậy phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.
Thủ tướng yêu cầu sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh như trong dạy học, ứng dụng khoa học - công nghệ trong tìm nguồn lây nhiễm vào Việt Nam… Phải tập trung bác sĩ giỏi, phương tiện đầy đủ để chữa trị cho người dương tính với COVID-19, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong có thể xảy ra.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo