Hà Nội: Ưu tiên phát triển sản xuất công nghệ cao, tăng giá trị ngành thủy sản
Chi cục Thủy sản Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng bình quân mỗi năm trên 8%
Chi cục Thủy sản Hà Nội có Báo cáo số 68/BC-CCTS về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Thủy sản giai đoạn 2019-2020 và xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong giai đoạn 2019-2020, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay, toàn thành phố hình thành được 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn ở các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì... với tổng diện tích trên 7.229ha. Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 22.900ha; sản lượng ước đạt 124.200 tấn, tăng 8% so với năm 2018 (115.000 tấn); năng suất bình quân 5,4 tấn/ha; riêng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung năng suất đạt 10-12 tấn/ha.
Hiện nay, thành phố có 21 cơ sở sản xuất giống, tăng 2 cơ sở so với năm 2018
Hiện nay, thành phố có 21 cơ sở sản xuất giống, tăng 2 cơ sở so với năm 2018. Sản lượng con giống sản xuất tại chỗ năm 2020 đạt 1.250 triệu cá bột, 650 triệu cá giống các loại/năm, tăng 2,8% so với năm 2018. Cơ cấu giống nuôi thả tập trung phát triển một số có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện môi trường, thời tiết của thành phố. Cơ cấu thủy sản nuôi thả tại Hà Nội hiện nay: Cá chép 35%, trắm cỏ 30%, cá trôi 12%, cá rô phi 9%, cá mè 5%, đối tượng khác 9% (cá lăng, trắm đen, trắm giòn, chép giòn, ếch, tôm càng xanh...). Các đối tượng chủ lực có giá trị cao, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định được phát triển gồm: Rô phi, chép, trắm cỏ và một số thủy đặc sản. Đây cũng được xác định là đối tượng chủ lực trong phát triển nuôi trồng thủy sản của thành phố.
Trên cơ sở kết quả đạt được và thực tiễn sản xuất, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu giá trị tăng thêm ngành Thủy sản tăng bình quân mỗi năm trên 8%; con giống chất lượng cao sản xuất tại chỗ đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi thành phố. Về diện tích nuôi thủy sản đến 2025 là 24.500ha, tổng sản lượng 170.000 tấn với tốc độ tăng bình quân 8%/năm, trong đó, diện tích nuôi thủy sản tập trung là 9.167ha với sản lượng 121.000 tấn (năng suất bình quân 13,2 tấn/ha), sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Phát triển nuôi cá lồng, bè ở một số sông, hồ chứa để khai thác tiềm năng để có 1.000 lồng nuôi cá. Tổng sản lượng chế biến thủy sản là 6.500 tấn; sản lượng khai thác thủy sản là 1.800 tấn.
Về định hướng đến năm 2030, Chi cục Thủy sản Hà Nội đề xuất tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao; diện tích nuôi thủy sản là 25.333ha, sản lượng 254.400 tấn với tốc độ tăng bình quân trên 8%/năm, trong đó, diện tích nuôi thủy sản tập trung nuôi thâm canh 10.000ha, sản lượng 205.000 tấn (năng suất bình quân 20.5 tấn/ha), sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; ổn định năng lực nghề khai thác thủy sản khoảng 1.700 tấn, sản lượng khai thác giảm bình quân 1,2%/năm; tổng sản lượng chế biến thủy sản đến năm 2030 đạt 8.300 tấn với tốc độ tăng bình quân 3,9%/năm.
Trước đó, Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 1540/SNN-CCTS, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ đạo bộ phận chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản; kịp thời nắm bắt, xử lý, phản ánh những sai phạm về công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn.
Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn thành phố
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nói chung và tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản nói riêng góp phần tạo ra con giống thủy sản sạch bệnh; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản Hà Nội trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng, người nuôi thủy sản các quy định…
Thông tin, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định trước ngày 01/01/2021; thực hiện công bố thời gian sử dụng giống thủy sản bố mẹ, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định. Các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm thủy sản bắt buộc phải áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp quy theo quy định.
Trong công văn này, Sở NN&PTNT cũng giao Chi cục Thủy sản Hà Nội tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, công bố hợp quy của các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn thành phố theo quy định; chủ trì, phối hợp với bộ phận chuyên môn cấp huyện, xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định khác về sản xuất, ương dưỡng, vận chuyển, kiểm dịch giống thủy sản; giám sát môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản. Chi cục Thủy sản Hà Nội có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm