Hà Nội: Tỉ lệ đốt rơm rạ có xu hướng giảm đáng kể
Theo kết quả kiểm kê phát thải do Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa đã tiến hành, tỉ lệ đốt rơm rạ giảm rõ rệt so với các năm trước.
Theo báo Kinh tế đô thị, phát biểu tại hội thảo “Quản lý rơm rạ trên địa bàn TP.Hà Nội - Hiện trạng, thách thức và cơ hội” diễn ra sáng 27/1, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, đây là dịp để các sở, ngành, UBND các quận, huyện cùng chia sẻ các kết quả đạt được của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 và bàn bạc giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý các phụ phẩm nông nghiệp nói chung và rơm rạ nói riêng, phấn đấu không còn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn TP trong những năm tiếp theo.
Kết quả kiểm kê phát thải do Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa đã tiến hành cho thấy, tỉ lệ đốt rơm rạ giảm rõ rệt so với các năm trước. Cụ thể: Tỉ lệ (%) trung bình đốt rơm rạ vào vụ Đông Xuân chỉ còn 20% và vụ Hè – Thu là 2,2%.
Tỉ lệ đốt rơm rạ tại Hà Nội đã giảm rõ rệt trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: VOV) |
Theo kết quả khảo sát năm 2020 tại 14 quận, huyện, hiện nay, tỉ lệ đốt rơm rạ tại Hà Nội là 78,57%, trong đó huyện Ứng Hòa 15%, huyện Ba Vì 10%, huyện Mê Linh 30%, quận Nam Từ Liêm 20%, huyện Thanh Trì 5%... Tuy vậy, một số huyện đã không còn hiện tượng đốt rơm ra như huyện Phú Xuyên.
PGS. TS Phạm Quang Hà - Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, để giảm triệt để việc đốt rơm rạ, ngoài các giải pháp chính trước mắt như tăng cường tuyên truyền vận động, tận dụng rơm rạ, hỗ trợ kinh phí chế phẩm sinh học…, cần thực hiện tốt giải pháp lâu dài là áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể, thay đổi cây trồng, vai trò của cây lúa.
Đặc biệt, giải pháp đưa ra phải đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự tham gia của các nhóm cộng đồng. Trong đó, tất cả các hộ sản xuất trồng trọt đăng ký hình thức xử lý phế phủ phẩm trước khi gieo trồng, bảo đảm không đốt rơm rạ. Cán bộ cấp thôn, làng, hợp tác xã thành lập tổ giám sát về việc thực hiện, cam kết. Đồng thời, các xã phải có những phản ánh kịp thời vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đến UBND huyện…
Việc đốt rơm rạ gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe người dân vì gây phát thải ra bụi mịn, các chất khí CO2, CO, NOX và hợp chất anđehít (khi rơm rạ không cháy hết).
Từ đầu năm 2021 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức báo động. Điển hình trong ngày 24/1, TP.Hà Nội được Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) cảnh báo ô nhiễm không khí nhất thế giới, ngưỡng cảnh báo ở mức nguy hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Trước thực trạng không khí ô nhiễm đáng báo động trong những năm qua, Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ.
Hà Nội đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Chuyên gia xã hội học - TS Phạm Quỳnh Hương cho biết, hiện nay nhiều người nông dân không mấy “mặn mà” đối với việc trồng lúa, do trồng lúa hiện không có lãi, đa phần người dân chỉ trồng lúa đủ phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc để “giữ đất”. Do vậy, để hạn chế và thay đổi thói quen đốt rơm, rạ sau thu hoạch, bên cạnh những biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, rất cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể từ phía chính quyền địa phương, các chuyên gia về nông nghiệp hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý rơm rạ, cách lựa chọn các chế phẩm sinh học xử lý rơm đảm bảo chất lượng.
Theo bà Hương việc hỗ trợ kinh phí để mua các chế phẩm, chi phí để vận chuyển, xử lý rơm rạ cũng đặc biệt cần thiết trong điều kiện người nông dân còn nhiều khó khăn. “Nếu không đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp, thì việc đốt rơm rạ sẽ vẫn còn kéo dài”, bà Hương khẳng định.
Theo một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Nông nghiệp, đăng trên Tạp chí Khoa học và phát triển năm 2012, tập 10, số 1:
Nếu tỉ lệ đốt rơm rạ dao động từ 20-80% ở khu vực đồng bằng sông Hồng, việc đốt rơm rạ gây phát thải 1,2-4,7 triệu tấn CO2/ năm, CH4 là 1-3,9 nghìn tấn/năm, CO là 28,3-113,2 nghìn tấn/năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng rơm đốt ước tính hàng năm phát thải 17,95 triệu tấn CO2; 485,58 nghìn tấn CO và 10,38 nghìn tấn NOX vào khí quyển.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường