Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 333/BC-UBND về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình, từ năm đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, là 56.512,8 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng; ngân sách thành phố hơn 20.911 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp hơn 6.973 tỷ đồng, hỗ trợ theo chương trình lồng ghép hơn 13.937 tỷ đồng); ngân sách huyện hơn 29.275 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 1.455 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng; trong đó, đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 2.037 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là hơn 798 tỷ đồng.
Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới |
Ngoài ra, thành phố đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chú trọng đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Hằng năm, HĐND thành phố và các huyện, thị xã, các xã đã bố trí ngân sách năm sau cao hơn năm trước; đồng thời, vận động tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Việc quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Đến nay, thành phố Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, trong phát triển nông nghiệp, đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của thành phố. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Đến nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao và an toàn thực phẩm được chú trọng; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn.
Song song thực hiện đạt nhiều kết quả về xây dựng huyện, xã nông thôn mới, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.
Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 88,3%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69% (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội), đến nay có 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Dự kiến đến hết năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 55 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 0,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 95-100%.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm