Hà Nội bổ sung 7 địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc cho phép sử dụng địa danh địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Theo đó, tại Quyết định số 2219/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Nông dân xã Dũng Tiến được sử dụng địa danh “Cổ Chất”, kèm theo bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đã được UBND huyện Thường Tín xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thêu Cổ Chất” cho các sản phẩm đồ thêu ở thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.
Tại Quyết định số 2221/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì được sử dụng địa danh “Tản Viên - Ba Vì” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Tản Viên - Ba Vì” cho sản phẩm mật ong ở huyện Ba Vì.
Hà Nội bổ sung 7 địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể. |
Tại Quyết định số 2222/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh được sử dụng địa danh “Ba Vì” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long ruột đỏ Ba Vì” cho sản phẩm thanh long ruột đỏ ở huyện Ba Vì.
Tại Quyết định số 2223/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Đông y huyện Ba Vì thành phố Hà Nội sử dụng địa danh “Ba Vì” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dược liệu và thuốc nam Ba Vì” cho sản phẩm dược liệu và thuốc nam ở huyện Ba Vì.
Tại Quyết định số 2235/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Nông dân xã Liên Bạt sử dụng địa danh “Vũ Ngoại” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rèn Vũ Ngoại” cho sản phẩm rèn ở thôn Vũ Ngoại, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.
Tại Quyết định số 2236/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Nông dân xã Liên Bạt sử dụng địa danh “Làng Bặt” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bún làng Bặt” cho sản phẩm bún ở 3 thôn Bặt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.
Tại Quyết định số 2237/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài sử dụng địa danh “Phú Yên, Yên Bài - Ba Vì” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Phú Yên, Yên Bài - Ba Vì” cho sản phẩm chè ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các quyết định cho phép sử dụng 4 địa danh địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Tại Quyết định số 1974/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hội Nông dân xã Cự Khê sử dụng địa danh “Cự Đà” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Miến - Tương Cự Đà” cho sản phẩm miến dong, tương làm từ đậu nành ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
Tại Quyết định số 1975/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bích Hòa sử dụng địa danh “Thanh Lương” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh cuốn Thanh Lương” cho sản phẩm thực phẩm dạng tấm mỏng làm từ gạo, thực phẩm ăn nhanh trên cơ sở gạo, bánh cuốn ở thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai.
Tại Quyết định số 1976/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Chăn nuôi Phương Đình sử dụng địa danh “Phương Đình” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm chăn nuôi Phương Đình” cho sản phẩm chăn nuôi ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.
Tại Quyết định số 1977/QĐ-UBND, UBND thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng sử dụng địa danh “Đan Phượng” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Hoa Đan Phượng” cho sản phẩm hoa ở huyện Đan Phượng.
Các đơn vị được phép sử dụng địa danh địa phương nêu trên có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy định sử dụng tem nhãn. Các đơn vị tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do đơn vị ban hành.
Trường hợp các địa danh tại các quyết định nêu trên bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của tập thể đơn vị..., UBND thành phố có quyết định thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép.
Theo SHTT