0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 01/02/2023 09:30 (GMT+7)

Google Doodle hôm nay 1/2: Tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh

Google Doodle hôm nay 1/2 vừa cập nhật ảnh đại diện trên trang chủ bằng một doodle để tôn vinh Sương Nguyệt Anh - nữ Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.

Vào ngày 1/2/1918, Nữ giới chung ra số đầu tiên và bà Sương Nguyệt Anh trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nữ giới chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1/2/1918, số cuối ra ngày 19/7/1918, nghĩa là tờ báo tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.

Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre. Cha của bà là Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ và cũng là thầy dạy bà đọc và viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.

Sương Nguyệt Anh cũng là một thi sĩ. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà viết về hoa mai. Do đó, hình vẽ Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh ngày 1/2 có sự kết hợp của hoa mai.

Google Doodle hôm nay 1/2: Tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh - Ảnh 1
Google Doodle hôm nay tôn vinh Sương Nguyệt Anh. (Ảnh: Google)

Nổi danh tài sắc, được nhiều bậc phong lưu trí thức mến mộ, nhưng cuộc đời riêng, bà không gặp may mắn. Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên đến hỏi bà làm vợ không được nên mang lòng oán hận, tìm cách hãm hại. Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân.

Ở đây, Nguyệt Anh sánh duyên cùng ông Phó tổng Hòa Quới, tỉnh Gia Định, góa vợ, tên là Nguyễn Văn Tính, tục gọi là thầy Cai Tính, ăn ở hiền lành, rất được lòng dân chúng.

Lấy chồng chưa được bao lâu thì bà vô cùng đau xót biết tin cha mất. Nguyệt Anh và Nguyễn Văn Tính sinh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Vinh. Cô Vinh sau này kết duyên cùng ông Mai Văn Ngọc, sinh ra Mai Huỳnh Hoa, nhũ danh Kim Hoa, vợ Phan Văn Hùm.

Sinh con chưa được bao lâu thì chồng lại mất. Từ đó, bà ở vậy nuôi con gái. Lúc này cha mẹ đều qua đời, cảnh ngộ cô đơn lại càng thêm neo đơn, người góa phụ Xuân Khuê điểm thêm một chữ “Sương” trước tên hiệu “Nguyệt Anh”.

Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh sang Nhật du học.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh đưa cháu ngoại lên Sài Gòn, cùng một nhóm chí sĩ yêu nước chuẩn bị xuất bản tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 1/2/1918, báo Nữ giới chung ra số đầu tiên, Sương Nguyệt Anh trở thành nữ chủ bút báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nữ giới chung chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 155 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM).

Tuy nhiên sau gần một năm hoạt động, xuất bản được 22 số báo, tháng 7/1918, tờ báo bị đình bản. Suốt các số báo đó, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Những số báo phát hành đều đề cập đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.

Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ, như Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến... và vài bài vè như Vè tiểu yêu, Vè thầy Hỷ, Vè đánh đề.

Đến nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn thấy ở bà một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Bà là một cây bút rắn rỏi từng nêu trên tờ “Nữ giới chung” nhiều vấn đề về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa phương Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Google Doodle hôm nay 1/2: Tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới