0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Gỡ khó cho khai thác rừng ở Tuyên Quang

Với các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh Tuyên Quang, thời gian không lâu nữa kỳ vọng thị trường tiêu thụ gỗ sẽ được khai thông, giá gỗ sẽ tăng lên.

Tuyên Quang có tỷ lệ bao phủ rừng luôn đứng trong top đầu cả nước. Đáng nói, từ khi có dịch Covid, nhiều diện tích rừng trồng ở tỉnh này chưa được khai thác theo kế hoạch, giá gỗ giảm khiến người trồng gặp khó.

Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật của doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gỗ của địa phương cho biết, công ty đang quản lý trên 6.500 ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích rừng trồng là 3.545 ha (diện tích rừng đến tuổi khai thác là 756 ha), còn lại là các loại các rừng khác. Trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty mới khai thác được 2.187/20.000m3 (đạt 10,9 kế hoạch năm). Doanh thu đạt 1.432 triệu đồng/11.480 triệu đồng (đạt 12,5% kế hoạch năm).

Theo vị cán bộ này, nguyên nhân rừng trồng khai thác chậm vì các cơ sở chế biến không xuất khẩu được nên tạm thời không thu mua hoặc thu mua hạn chế. Giá mua cũng giảm so với 2019, giá gỗ nguyên liệu giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn, gỗ chế biến giảm 150.000 - 250.000 đồng/m3, giá bán này người trồng lỗ hoặc không có lãi. Hiện công ty gặp khó khăn do nguồn thu giảm mạnh nhưng vẫn phải đầu tư cho chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, tiền trả lãi và gốc vay ngân hàng. Để giảm bớt khó khăn công ty xin được giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giãn nợ gốc, lãi vay ngân hàng. Xem xét cho công ty được tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn để duy trì hoạt động sản xuất.


ds

Gỡ khó cho khai thác rừng ở Tuyên Quang


Về vấn đề trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cũng chia sẻ: Đến ngày 15/7/2020, Tuyên Quang đã khai thác 4.791,9 ha/9.600 ha rừng trồng, với khối lượng 405.634,2/880.000m3 đạt 46% kế hoạch. Do ảnh hưởng của dịch Covid một số đơn hàng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị hủy, do vậy, sản lượng gỗ khai thác chậm so với cùng kỳ. Đồng thời giá gỗ cũng giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/m3/tấn đã ảnh hưởng nhiều đến các công ty lâm nghiệp, người trồng rừng và các nhà máy chế biến.


Về giải pháp tháo gỡ, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch Covid từ đó mới ổn định lại tình hình, kéo theo giá bán mới tăng trở lại. Nếu người trồng rừng chưa thực sự cần tiền thì hãy chờ tình hình ổn định, giá lên cả bán.

Còn theo cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho, dịch Covid tạo nên sức ép rất lớn đến diện tích rừng trồng, đơn hàng của các nhà máy chế biến không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng lớn đến đầu vào. Khi nguyên liệu đầu vào bị dừng sẽ ảnh hưởng đến cả 1 chuỗi. Nhiều nơi có hiện tượng rừng bán rồi nhưng chưa được khai thác hoặc khai thác cầm chừng. Thời điểm này năm ngoái, tỉnh đã khai thác được 50%, nhưng hiện nay chỉ hơn 40%. Tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người trồng, doanh nghiệp. Trước đây, người trồng khai thác bán cho nhà máy phải tự đi làm hóa đơn thuế, bây giờ cán bộ thuế xuống tận nhà làm cho người dân; nhà máy thanh toán theo đợt, nay người dân có nhu cầu thanh toán từng xe.


ds

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ đang được hỗ trợ. Ảnh TTXVN


Các nhà máy cũng phải chuyển hướng tìm các thị trường mới, đổi mới công nghệ, thiết kế, tạo ra những mặt hàng đa dạng hơn, phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ví dụ, ở Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ngoài thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật thì họ phải tìm thị trường mới và thúc đẩy phát triển thị trường nội địa. Về lâu dài cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ.

Bộ NN&PTNT có chương trình sản xuất gỗ lớn phục vụ cho chế biến. Gỗ lớn mang lại giá trị gia tăng lớn hơn. Ví dụ, 1m3 gỗ nguyên liệu ở huyện Sơn Dương bán 1,1 triệu đồng/m3, ở huyện Chiêm Hóa bán khoảng 600.000 - 700.000 đồng/m3. Nếu 1m3 khối gỗ này chuyển thanh gỗ lớn có thể bán 1,5 thậm chí lên tới 2 triệu đồng/m3.

Đối với gỗ chưa khai thác nó vẫn phát triển bình thường, vẫn tăng trưởng, tăng trưởng càng lớn giá trị càng cao. Tuy nhiên, để vậy nguy cơ xảy ra cháy, gió bão, trộm cắp làm hư hao, nếu người dân bảo quản được có khi lại có lợi. Mình không mong người trồng để lại hết nhưng rõ ràng phải chọn phương án thích ứng. Nếu bà con chưa khai thác được mình sẽ khắc phục bằng cách tạo việc làm khác, hoặc liên kết làm cùng một số việc thay vì chặt cây đó.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid, bằng các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh Tuyên Quang, sự chuyển hướng kịp thời của các doanh nghiệp chế biến, sự linh hoạt của người trồng, các công ty lâm nghiệp. Mong rằng không lâu nữa thị trường tiêu thụ gỗ sẽ được khai thông, giá gỗ sẽ tăng lên, nhiều diện tích rừng trồng được khai thác theo đúng kế hoạch.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó cho khai thác rừng ở Tuyên Quang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới