'Ông lớn' địa ốc ồ ạt lấn sân đầu tư năng lượng tái tạo
Đại gia bất động sản như Hà Đô, Bitexco,... đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời.
Theo nhận định của SSI, năng lượng tái tạo có tiềm năng tạo ra lợi nhuận và dòng tiền ổn định, bù đắp cho mảng kinh doanh bất động sản có nhiều rủi ro định kì. Do đó, thị trường xuất hiện nhiều đại gia bất động sản lấn sân sang năng lượng tái tạo (năng lượng điện gió và điện mặt trời).
Đại gia bất động sản đổ bộ lĩnh vực năng lượng tái tạo
CTCP Chứng khoán SSI cho biết, CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) đang bước vào giai đoạn mới khi từng bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo.
Kể từ năm 2009, Hà Đô đã lấn sân sang đầu tư năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp này bắt đầu tấn công mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỷ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020-2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỷ đồng).
Trước đó, năm 2019, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 tại Bình Thuận (công suất 48 Mwp) chính thức đi vào hoạt động, mang về doanh thu bình quân gần 200 tỷ đồng mỗi năm.
Vào đầu năm 2020, công ty đã tiến hành mua lại dự án điện mặt trời SP Infra tại Ninh Thuận (công suất 50 MWp).
Từ đầu năm đến nay, Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện. Chẳng hạn, tháng 3/2020, Hà Đô công bố tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam từ 10 tỷ đồng lên 455 tỷ đồng để đầu tư dự án điện gió 7A Thuận Nam.
Theo kế hoạch đưa ra trong năm nay, Hà Đô sẽ phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để đầu tư vào các dự án năng lượng. Dự kiến trong năm 2021, Hà Đô sẽ xây dựng được một danh mục đầu tư bao gồm 5 nhà máy thủy điện, hai nhà máy điện mặt trời và 1 trang trại điện gió.
6 tháng đầu năm 2020, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.990 tỷ đồng, cao gần gấp đôi cùng kì. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là doanh thu kinh doanh bất động sản với 2.149 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kì. Doanh thu mảng năng lượng không có nhiều biến động so với cùng kì, đạt 341 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2020, Hà Đô còn 4.471 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang liên quan tới các dự án năng lượng, tăng 26% so với cuối năm 2019. Một số dự án năng lượng đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay các khoản trái phiếu của doanh nghiệp.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Hà Đô ghi nhận 13.638 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Nợ phải trả của Hà Đô chỉ giảm nhẹ so với đầu kì về mức gần 9.886 tỷ đồng.
Ngoài Hà Đô, đại gia bất động sản Bitexco cũng đang là cái tên “nuốt trọn” nhiều dự án tái tạo năng lượng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco - Bitexco Power (thuộc Tập đoàn Bitexco) được thành lập vào năm 2007. Bitexco Power được sáng lập bởi ông Vũ Quang Hội (sinh năm 1963, quê Thái Bình) và đang được điều hành bởi giám đốc là ông Nguyễn Phú Xuyên. Bitexco Power sở hữu và vận hành 18 nhà máy thủy điện tại Việt Nam với tổng công suất phát điện đạt khoảng 1Gigawatt (GW).
Tháng 9/2019, Công ty TNHH MTV Solar Power Ninh Thuận (trực thuộc Bitexco Power) đã khánh thành nhà máy điện mặt trời Nhị Hà (giai đoạn 1) tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất 50MWp
Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà đánh dấu một bước tiến mới của Tập đoàn Bitexco trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đây cũng là bước ngoặt và là tiền đề để doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án tại các tỉnh lân cận.
Vừa qua, Bitexco Power đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời hạ du Hồ Cà Giây tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, công suất 150MW.
Đáng chú ý, gần đây có 2 dự án điện mặt trời có bóng dáng “người nhà” Bitexco. Cụ thể, Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 vừa phát hành thành công lần lượt 730 tỷ đồng và 750 tỷ đồng trái phiếu tại thời điểm cuối tháng 8 vừa qua.
Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 là chủ đầu tư các dự án điện mặt trời cùng tên tại tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư theo công bố ban đầu vào khoảng 2.300 tỷ đồng. Cả hai đều có chung địa chỉ trụ sở và cùng Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Thanh Bình.
Ông Đặng Thanh Bình chính là Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An, chủ đầu tư dự án cùng tên thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco Group). Mặc dù là một thế lực đáng gờm trong ngành năng lượng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn tỏ ra "khiêm tốn", thậm chí im hơi lặng tiếng.
Ở lĩnh vực bất động sản, Bitexcođang vướng không ít lùm xùm, điển hình là dự án The Manor Central Park với tổng mức đầu tư khoảng 44.000 tỷ đồng mới đây đã bị TP.Hà Nội xử phạt số tiền 350 triệu đồng khi xây hơn 500 căn biệt thự tại The Manor Center Park khi chưa có báo cáo ĐTM.
Ồ ạt sản xuất điện mặt trời, rác thải pin mặt trời khó xử lý?
Không chỉ Bitexco, còn nhiều "ông lớn" bất động sản khác như BIM Group, Tập đoàn Trung Nam,...đang ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Câu chuyện bắt đầu từ khi Chính phủ hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT), đã dẫn đến "cơn sốt" điện mặt trời trong thời gian qua để hưởng giá cao. Hơn nữa, nhiều dự án điện mặt trời cũng nhanh chóng được bổ sung thêm vào quy hoạch để tiến tới đấu thầu trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW. Trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200 MW; Điện gió khoảng 11.800 MW…
Đáng chú ý, hầu hết các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải pin năng lượng mặt trời (PMT) vì đây là một mô hình đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các nước trên thế giới cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này.
Ông Luyện Văn Hoạt, một nhà thầu chuyên xây lắp các hệ thống điện mặt trời cho biết, xử lý rác thải pin năng lượng mặt trời được cấu tạo phức tạp, chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ nên việc phân loại và xử lý rác phải đầu tư chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.
Vì vậy, doanh nghiệp chọn cách "cứ làm trước tính sau" bởi tuổi thọ của pin năng lượng mặt trời lên đến 20-30 năm.
Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư ồ ạt điện mặt trời với công suất lớn trong khi rác thải pin năng lượng mặt trời gây ô nhiễm rất lớn, hơn cả ni-lông nếu không được xử lý.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo