Gỗ An Cường chào bán hơn 4 triệu cổ phiếu với giá chỉ bằng 1/10 trên sàn
4,38 triệu cổ phiếu ACG được chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ lệ 100/5. Ngày 8/3/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông đăng ký mua cổ phiếu.
Mới đây, CTCP Gỗ An Cường (Mã CK trên sàn UPCoM: ACG) vừa công bố thông tin về việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt và chào bán 4,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, 4,38 triệu cổ phiếu ACG được chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ lệ 100:5 (với mỗi cổ phiếu đang sở hữu, cổ đông có một quyền và 100 quyền được mua 5 cổ phiếu mới). Ngày 8/3/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông đăng ký mua cổ phiếu.
Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu ACG hiện giao dịch quanh mức 107.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 21/2/2022). Gỗ An Cường đưa hơn 87 triệu cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn Upcom từ tháng 8/2921 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay phiên đầu lên sàn, ACG đã tăng gần kịch biên độ, lên cao nhất 125.900 đồng/cổ phiếu trước khi giảm những phiên sau đó. Trong suốt hơn 5 tháng giao dịch trên sàn, cổ phiếu ACG vẫn duy trì được mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng giá trị huy động từ đợt chào bán này là khoảng 43,8 tỷ đồng sẽ được An Cường dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động nhằm thanh toán khế ước vay ngân hàng trong năm nay và thoả mãn điều kiện niêm yết cổ phiếu ACG tại HoSE.
Vốn điều lệ hiện có của CTCP Gỗ An Cường ở mức 876,5 tỷ đồng.
Ngoài chào bán cổ phiếu, An Cường cũng vừa thông qua nghị quyết tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt, theo tỷ lệ 5% (tương ứng mỗi cổ phần nhận được 500 đồng).
Dự kiến 21/3 sẽ là ngày thanh toán công ty này thanh toán cổ tức.
Tiền thân của An Cường là Công ty TNHH Sản xuất Hàng nội thất Phương Vân Anh thành lập từ năm 2006.
Hai năm sau khi đổi tên thành An Cường (năm 2016), công ty này nhận vốn đầu tư trị giá khoảng 28 triệu USD từ liên doanh giữa Vinacapital - DEG và 58 triệu USD từ Sumitomo Forestry (Singapore) vào năm 2019.
Trong Bản cáo bạch, công ty này cho biết đang nắm chi phối tại thị trường nội địa với hơn 55% thị phần các thương hiệu ván MFC (đối với phân khúc trung và cao cấp) cùng hơn 70% thị phần các thương hiệu vấn laminate, ván acrylic cùng các phụ phẩm. Họ có khả năng sản xuất hơn 1.000 cánh cửa gỗ công nghiệp mỗi ngày.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của An Cường tăng 12% so với đầu năm, lên gần 5.000 tỷ đồng và nợ phải trả tăng xấp xỉ 29%, lên hơn 1.200 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần năm 2021 của doanh nghiệp này giảm hơn 12% so với năm 2020, chỉ đạt 3.293 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm vừa qua cũng chỉ đạt 451 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với năm liền kề trước đó.
Như vậy, An Cường chỉ hoàn thành khoảng 67% chỉ tiêu doanh thu thuần và 82% kế hoạch lãi ròng cả năm 2021.