0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 06/01/2022 17:28 (GMT+7)

Giảm phí trước bạ, thị trường ô tô nhộn nhịp dịp cận Tết

Sau khi Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ, sức tiêu thụ ô tô tăng trưởng mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2022, thị trường ô tô sẽ hồi phục đáng kể.

Thị trường sôi động, sức mua tăng mạnh

Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng của đơn vị thành viên trong tháng 11/2021 đạt 38.656 xe các loại, tăng 30% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng của năm 2021, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong VAMA đã bán 257.390 xe các loại, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, phân khúc xe thương mại tăng 23%, chuyên dụng tăng 47%.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Nếu tính cả doanh số của TC MOTOR và VinFast, tổng số xe bán ra trong 11 tháng năm 2021 lên 350.777 xe các loại. Đại diện VAMA cho biết, con số này chưa phản ánh hết thị trường tiêu thụ xe ô tô Việt Nam bởi một số hãng xe khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… không thông tin kết quả kinh doanh tháng 11/2021.

Lý giải nguyên nhân về điều này, nhiều người tiêu dùng có chung ý kiến, Chính phủ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước, nên tiết kiệm được hàng chục triệu đồng, vì vậy đã chọn mua xe để hưởng ưu đãi.

Thực tế cho thấy, để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu mặc dù không được hưởng chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ, nhưng cũng áp dụng hỗ trợ từ 50 - 100% phí trước bạ.

Dự báo sức tiêu thị ô tô từ nay đến Tết Nguyên đán, Tổng Giám đốc Toyota Thăng Long Bùi Việt Dũng nêu rõ, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong được coi là "đòn bẩy" kích cầu cho thị trường ô tô Việt Nam. Bên cạnh đó nhu cầu mua sắm xe dịp Tết Nguyên đán giúp lượng xe bán ra toàn thị trường tiếp tục tăng cao.

Mức tiêu thụ tăng trở lại song tỷ lệ nội địa hóa còn thấp

Mặc dù sức tiêu thụ xe ô tô lắp ráp tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sản xuất ô tô khó có thể tăng trưởng bởi tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc vào phụ tùng nhập khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho biết, mỗi chiếc xe ô tô có tới khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có một thực tế đáng buồn khi 80% linh kiện sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu. Số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu là các chi tiết giản đơn, hàm lượng công nghệ không cao. Hiện doanh nghiệp nội chỉ sản xuất lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc - quy, sản phẩm nhựa…. còn lại thiết bị quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe, doanh nghiệp Việt Nam không “chạm” vào được, mà phải nhập khẩu ròng.

Thêm vào đó, ông Long nói thêm: “So với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia chỉ nhập khẩu 10% linh kiện sản xuất ô tô trong nước, trong khi Việt Nam tỷ lệ này lên đến 80 - 85%. Điều này khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn 10 - 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực”.

Lý giải về nguyên nhân, Tổng Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa nâng cao tỷ lệ nội địa là bởi quy mô thị trường ô tô Việt Nam dưới 300.000 xe/năm, bằng 1/3 so với Thái Lan và 1/4 so với Indonesia. Quy mô thị trường nhỏ lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty sản xuất rất khó đầu tư, phát triển sản xuất linh kiện quy mô lớn. Ngoài ra còn việc "bắt tay” giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn rời rạc… Tất cả nguyên nhân đó khiến khả năng để nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô rất khó khăn.

Để ngành công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa, Tổng Giám đốc Thành Công Motor Lê Ngọc Đức nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem lại những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô cũng như ngành công nghiệp sản xuất chip. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cùng các chính sách tốt để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất hoặc liên doanh với đối tác nước ngoài tạo ra một dãy các sản phẩm “Made in Vietnam”. “Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được chip cho ô tô nếu như được hưởng các chính sách và tạo điều kiện như Samsung, LG, Apple đang được hưởng tại Việt Nam". 

Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, trong đó giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ô tô trong nước.

Ngoài ra, có thể xem xét, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường, như chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị, từ đó điều chỉnh theo hướng thuận lợi hóa sản xuất và tiêu dùng, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước.

Bạn đang đọc bài viết Giảm phí trước bạ, thị trường ô tô nhộn nhịp dịp cận Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023