Giải pháp gì để xử lý nợ xấu tăng?
Nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cho các tổ chức tín dụng đối mặt với nhiều thách thức.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, đẩy nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cho các tổ chức tín dụng đối mặt với nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu sẽ có tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế, tỉ lệ nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn, điều này sẽ kìm hãm, hạn chế sự lưu thông của dòng tín dụng trong nền kinh tế. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng vẫn phải được kiểm soát ở mức hợp lý, không thể để quay trở lại tình trạng nợ xấu cao như trước đây.
Cần sớm ban hành Luật và các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu. (Ảnh minh họa: Quang Phúc). |
Theo Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành ngân hàng có mục tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Chỉ sau gần 3 năm thực hiện Đề án, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm liên tục qua các năm: năm 2016 là 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,91%; năm 2019 là 1,63%.
Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, dịch bệnh Covid-19 đã gia tăng nợ xấu toàn ngành. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2020 ước tính là 1,8%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.106,95 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 xử lý được 56,96 nghìn tỉ đồng nợ xấu.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).
Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăn so với cuối năm 2019).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội sẽ khiến cho mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% trong năm 2020 là khó thực hiện.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khả năng ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu (tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi. Dự báo tỉ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.
Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm 2020, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp. TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái.
Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Ngân hàng Nhà nước nhận định, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân bị ngưng trệ sẽ khiến các nguồn thu của tổ chức tín dụng chịu tác động; chất lượng tài sản của tổ chức tín dụng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngành ngân hàng đang tiến dần đến mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nợ xấu, kể cả nợ tiềm ẩn cuối năm 2020 dưới 3%, nhưng dịch bệnh đã đẩy nợ xấu của hệ thống sẽ tăng lên, đây là thách thức lớn cho hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao có các biện pháp xử lý hiệu quả và ngăn chặn nợ xấu phát sinh. (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Trước đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Thông tư đã giúp các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu, giãn nợ đến hết tháng 9/2020. Hiện Thông tư này đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi nhưng ngành ngân hàng vẫn lo ngại, nợ xấu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Đặc biệt, kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động bất lợi từ dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu về kiểm soát nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu tăng.
Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý, phát mại tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến bổ sung nguyên tắc phân loại nợ nêu trên đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn cơ cấu lại nhằm giảm áp lực nợ xấu.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường