Giải ngân vốn đầu tư công có tiến triển
Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,37% kế hoạch.
Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%.
Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (50,48%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%). Tuy nhiên, vẫn còn 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, đáng quan ngại, có 5 bộ vẫn chưa hề giải ngân kế hoạch vốn.
Theo các địa phương, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do thời tiết không thuận lợi, việc thi công gặp nhiều khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù; vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá cả tăng cao; Với các dự án khởi công mới vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thiết kế, dự toán và tổ chức đấu thầu xây lắp cũng chưa giải ngân được vốn.
Ngoài ra, một số tỉnh cũng cho biết gặp khó khăn về thẩm quyền trong việc kéo dài thực hiện, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Các địa phương đề xuất Trung ương xem xét, sửa đổi một số quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Khoáng sản, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh đó, các địa phương đề nghị Trung ương sớm giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 và các năm trước sang năm 2022; có phương án hỗ trợ cho các nhà thầu khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao…
"Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo giải ngân cho các dự án, những chỉ đạo như vậy là rất kịp thời và cần thiết. Chúng ta cần phải có những khung khổ pháp lý mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng một bộ chỉ số đánh giá về khả năng thực thi giải ngân đầu tư công, giống như chỉ số KPI trong DN, để đánh giá để đo lường khả năng thực thi các dự án.
Chậm, không phân bổ đúng dự toán, không thực hiện đúng dự toán thì năm sau chúng ta điều chỉnh cắt. Nhà thầu nào thi công mà không bảo đảm đúng tiến độ thì loại; địa phương, bộ ngành nào giải ngân chậm thì chuyển cho địa phương, bộ ngành khác; thậm chí phải đánh giá trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các đơn vị…"- PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính
Anh Thiện