Cần thiết giải 'bài toán' lao động cho sản xuất cuối năm
Không chỉ khôi phục sản xuất, nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng cường cường độ sản xuất; đón đầu xu hướng trong giai đoạn cuối năm. Trong khi đó, thị trường không chỉ đang thiếu lao động mà tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng đang tăng cao.
Thiếu hụt lượng lớn lao động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng vẫn không thể hoạt động hết công suất vì thiếu lao động.
Tại tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 -50% số lượng lao động. Do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hơn 60% lao động so với trước dịch, trong đó có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó tuyển mới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, hiện nay, 30 - 35% lực lượng lao động đã dịch chuyển về các địa phương. Điều DN lo lắng nhất hiện nay là làm sao đảm bảo được tiến độ giao hàng theo những đơn hàng đã ký kết trước đó, bởi nếu không đúng hẹn thì DN sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc chuyển sang hình thức vận chuyển bằng máy bay, khiến chi phí đội lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong thời gian gấp rút thực hiện đơn hàng, thì nhiều DN dệt may lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực sau dịch, nhất là những DN ở phía Nam.
Không chỉ có nỗi lo về thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp còn lo lắng con đường cạnh tranh trong thu hút, giữ chân người lao động sẽ gay gắt hơn khi người lao động lựa chọn những doanh nghiệp khác có mức lương cao, chế độ phúc lợi ưu đãi hơn như hỗ trợ nhà ở, chăm sóc con cái, hoạt động vui chơi của công đoàn...
Tăng cường chính sách hỗ trợ
Trước thực tế trên, nhiều DN kiến nghị cơ quan chức năng sớm tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động, hỗ trợ tìm kiếm công nhân, hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, lập các bệnh viện mini (xét nghiệm nhanh, có tủ thuốc)… để nhà máy, nhà xưởng tăng tốc "guồng sản xuất" trở lại.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền cho người lao động quay trở lại làm việc, tham gia lao động sản xuất trong tình hình mới. Về phía địa phương, giải pháp cho các DN trên địa bàn để thu hút người lao động ở lại tham gia phục hồi kinh tế là tăng lương, cung cấp chỗ ở cho lao động ổn định làm việc.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích ngân sách để hỗ trợ Liên đoàn lao động TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện đón người lao động quay lại làm việc từ tháng 11-12. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 01/11 đến hết 31/12/2021.
Liên Đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tổ chức các chính sách an sinh tốt thì việc người lao động rời TP sẽ giảm. Các chuyên gia cũng cho rằng, để người lao động yên tâm trở lại làm việc, chính quyền và DN cần phối hợp tăng cường năng lực y tế nhằm điều trị kịp thời các ca F0 và bố trí nơi làm việc đảm bảo sản xuất an toàn. Các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc.