Giá vàng thế giới cao nhất trong lịch sử, đà tăng vẫn tiếp tục
Giá vàng giao ngay đã tăng lên 1.923,20 USD/ounce, vượt mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 1.921,17 USD được thiết lập hồi năm 2011.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh khi đồng USD chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm, trong bối cảnh lãi suất thực tại Mỹ đang ở mức âm và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì chính sách phù hợp khi kết thúc cuộc họp vào tuần này. Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng trong năm nay đã vượt qua mức kỷ lục hồi năm 2009, với tổng lượng nắm giữ ở mức cao nhất mọi thời đại là hơn 3.300 tấn.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai vàng cũng chạm đỉnh và giao dịch ở mức 1.946,90 USD vào lúc 10 giờ 25 sáng (giờ Singapore). Hợp đồng vàng giao tháng 12 đã vượt qua hợp đồng giao tháng 8 khi giá hợp đồng mở đạt mức cao nhất hôm thứ Năm, dù dữ liệu chính thức đến thứ Sáu mới được công bố khi phiên giao dịch ở châu Á bắt đầu. Hợp đồng vàng tháng 12 đã chạm mức 1.927 USD/ounce vào phiên 23/7, cao hơn thời điểm được giao dịch tích cực nhất năm 2011 là 1.923, 70 USD.
Gavin Wendt – nhà phân tích cấp cao về tài nguyên tại MineLife Pty, nhận định: "Đà tăng mạnh mẽ là một điều tất yếu khi chúng ta bước vào giai đoạn giống như thời điểm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu – khi giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục nhờ lượng tiền lớn của Fed được bơm vào hệ thống tài chính. Ngoài ra, động lực còn có đồng USD đang suy yếu và lãi suất thực ở mức âm."
Nhà đầu tư đã đổ xô tìm đến vàng trong bối cảnh đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu rung chuyển và củng cố vị thế đây là "hầm trú ẩn" được ưa thích. Tuy nhiên, giá vàng tăng đã được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố: căng thẳng địa chính trị gia tăng, lãi suất thực giảm mạnh, đồng USD yếu hơn và các chính phủ, NHTW trên toàn thế giới đang đưa ra những biện pháp kích thích lớn để thúc đẩy nền kinh tế.
Bối cảnh hiện tại đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về lạm phát – sự kết hợp hiếm hoi của tăng trưởng trì trệ và lạm phát gia tăng khiến giá trị của các khoản đầu tư trái phiếu bị sụt giảm. Tại Mỹ, nhà đầu tư kỳ vọng rằng lạm phạt sẽ ở mức ổn định trong thập kỷ tới, khi một thước đo trên thị trường trái phiếu được gọi là tỷ lệ hòa vốn đã tăng cao hơn trong 4 tháng qua sau khi sụt giảm vào tháng 3.
Thị trường trái phiếu của Mỹ là một thước đo quan trọng để theo dõi và cũng là động lực thúc đẩy "cơn sốt" đối với vàng. Nhà đầu tư hiện tại đã tiếp tục chú ý đến mức lợi suất Kho bạc giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh kỳ vọng đối với sự hồi phục của nền kinh tế đang dần lu mờ.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận thông báo từ Fed sau cuộc họp vào ngày 28-29/7. Theo kỳ vọng, các quan chức Fed sẽ giữ lãi suất ở gần mức 0 và thị trường cũng theo dõi bất kỳ tín hiệu nào xung quanh đến sự thay đổi trong chiến lược.
Theo Chris Weston – trưởng nhóm nghiên cứu của Pepperstone Group, cuộc họp có thể là nền tảng để truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng sự thay đổi đang đến, mở ra khả năng Fed sẽ đưa ra những chính sách độc đáo hơn nữa. Ông cho hay: "Nếu nghĩ về lãi suất thực và những gì Fed đang làm, tôi cho rằng chỉ là vấn đề thời gian khi lãi suất tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn và vàng tăng cao hơn."
Cho đến nay, hầu hết các nhà phân tích đều tăng triển vọng đối với vàng. Goldman Sachs cho biết giá vàng có thể lên tới 2.000 USD vào 12 tháng tới. Trong khi đó, Citigroup dự đoán khả năng vàng chạm mức trên là 30%.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm