Giá vàng hôm nay 2/10: Vàng trong nước tăng mạnh phiên cuối tuần
Giá vàng hôm nay chốt phiên cuối tuần phục hồi, phá vỡ chu kỳ hạ giá trong 3 tuần qua. Trong đó, biến động tăng ấn tượng và mạnh mẽ của giá vàng tương lai ở mức 34 USD ngày cuối cùng của tuần này đã làm thay đổi động lực trong tuần tới.
Giá vàng trong nước
Trong phiên giao dịch hôm qua (1/10), giá vàng SJC điều chỉnh trong khoảng 20.000 - 50.000 đồng/lượng tại một số hệ thống cửa hàng kinh doanh.
Cụ thể, tại Tập đoàn Doji tiếp tục điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng đối với cả chiều mua vào và chiều bán ra. Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra còn chiều mua vào giữ nguyên so với giá công bố buổi sáng.
Trong khi, tại Công ty VBĐQ Sài Gòn và Phú Nhuận, giá vàng SJC đồng loạt chững lại ở hai chiều mua bán. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu biến động trái chiều, chiều mua vào tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng còn chiều bán ra giảm 20.000 đồng/lượng
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn tại phiên chốt giao dịch ngày 1/10 như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,60 - 57,22 triệu đồng/lượng và 57,00 triệu đồng/lượng tại hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,60 - 57,55 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 57,05 - 57,60 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,60 - 57,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 57,08 - 57,58. Các sản phẩm khác của thương hiệu này đồng loạt tăng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 50,66 - 51,31 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50.00 - 51,10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Cả phiên cuối tuần, vàng thế giới đi ngang trong vùng giá 1.750-1.760 USD/ounce. Lúc 22h đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng nhẹ 0,5 USD (0,03%) lên 1.758,70 USD/ounce.
Giá vàng chững lại khi thị trường đón nhận thông tin về sản xuất tháng 9 của Mỹ.
Phiên cuối tuần, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, chỉ số sản xuất tháng 9 tại Mỹ tăng lên 61,1% từ 59,9% của tháng 8. Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM cho biết, điều này cho thấy có sự mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung trong tháng thứ 16 liên tiếp.
Tuy nhiên, Fiore cũng lưu ý rằng lĩnh vực sản xuất vẫn phải đối mặt với một số rào cản khó khăn do dịch bệnh mang lại như thời gian sản xuất kéo dài, thiếu nguyên liệu quan trọng, giá hàng hóa tăng cao và khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm.
Liên quan tới khủng hoảng năng lượng, tại Trung Quốc, các báo cáo cho biết trong tuần này Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng bằng mọi giá, bao gồm cả việc yêu cầu các nhà sản xuất than chạy hết tốc lực dù đã vượt quá hạn ngạch cả năm.
Tin tức này đã đẩy giá khí đốt tự nhiên và giá điện lên mức cao kỷ lục ở châu Âu. Giá năng lượng tăng cao khi bước vào mùa đông kết hợp với việc các ngân hàng trung ương quay cuồng với các chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây đã khiến nhiều nhà quan sát thị trường lo lắng tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng, hay được gọi là lạm phát đình trệ.
Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc tăng 1% lên 22,42 USD/ounce.
Giá bạch kim tăng 1% lên 972,64 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 0,27% xuống 1.904,60 USD, với cả hai đều trên đà ghi nhận một tuần giảm giá, theo Reuters.
Ngoài sự thắt chặt chất bán dẫn làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, trong bối cảnh thanh khoản thấp, sự sụt giảm của palladium còn do sự suy yếu chung của các kim loại công nghiệp từ Trung Quốc, ông Hansen cho biết thêm.