Giá vàng hôm nay 28/11: Nguy cơ giảm ngày càng lộ rõ, nhiều nỗi sợ hãi bủa vây
Theo các tín hiệu phân tích kỹ thuật, vàng có thể giảm mạnh và có thể về tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Song, vàng vẫn có nhiều động lực tăng giá mới, là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh siêu biến thể Omicron làm cả thế giới bất an đứng ngồi không yên.
Giá vàng thế giới có một tuần đầy biến động
Thị trường vàng thế giới đã có một tuần đầy biến động, khi giá giảm mạnh xuống dưới 1.800 USD/ounce vào đầu tuần và tiếp tục đi xuống trong 3 phiên sau đó.
Tuy nhiên, giá vàng đã nhanh chóng lên trên 1.800 USD/ounce vào sáng sớm thứ Sáu khi Chỉ số Biến động CBOE (VIX USD) tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tháng do lo ngại biến thể mới của SARS-CoV-2, còn gọi là Omicron.
Kim loại quý này từng có lúc chạm mức cao nhất trong ngày là 1.816,30 USD/ounce trong phiên giao dịch cùng ngày với lễ mua sắm Black Friday. Tuy nhiên, lợi nhuận của vàng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Giá vàng kỳ hạn tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.792,30 USD/ounce, giảm hơn 3% kể từ thứ Sáu tuần trước.
Với mức tăng khiêm tốn vào cuối tuần, giá vàng vẫn giảm tới 3,6% tính chung trong cả tuần qua.
Trong nước, giá vàng chứng kiến một tuần giao dịch với phần lớn các phiên giảm cả ở chiều mua vào và bán ra. Xu hướng giảm này được các chuyên gia dự báo có thể xuống thấp hơn trong tuần tới, do lãi suất tăng hoặc do làn sóng bán chốt lời trên thị trường hàng hóa.
Giá vàng trong nước mốc cao nhất lên tới 62 triệu
Giá vàng trong nước cũng trải qua tuần biến động mạnh khi mất các mốc cao lần lượt là 62 triệu rồi đến 61 triệu đồng.
Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM chốt tuần chỉ còn 60,00-60,85 triệu đồng/lượng sau khi giảm mạnh phiên cuối tuần.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội không tránh được phiên cuối tuần giảm điểm và chốt tuần dưới 60 đồng chiều mua vào khi chỉ còn 59,95-60,80 triệu đồng/lượng.
Cùng xu hướng, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm thêm 100 nghìn đồng phiên cuối tuần và khép lại tuần giao dịch tại 52,06-52,76 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ giảm thêm 200 nghìn đồng phiên cuối tuần về 51,80-52,50 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Tuần qua, vàng trong nước giảm mạnh theo thị trường thế giới, có phiên giảm tới 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, thương hiệu quốc gia SJC có những phiên đi ngược xu hướng, tăng giá bất chấp giá vàng thế giới và các thương hiệu khác giảm mạnh.
Chính vì có những phiên đi ngược bất chấp xu hướng nên giá vàng SJC và Doji lại ghi nhận tăng giá. Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng mạnh 350 nghìn đồng, giá vàng Doji cũng tăng mạnh 700 nghìn đồng.
Trong khi đó, bám sát xu hướng thế giới, giá vàng Rồng Thăng Long giảm mạnh 800 nghìn đồng và giá vàng NPQ giảm mạnh hơn với 1,05 triệu đồng.
Dự báo giá vàng
Mặc dù giảm nhưng theo nhiều chuyên gia, lãi suất thực vẫn ở mức âm và sự không chắc chắn về dịch Covid-19 vẫn là yếu tố hỗ trợ cho vàng.
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered nhận định giá vàng sẽ cao hơn trong quý đầu tiên của năm 2022 khi thị trường tiếp tục tập trung vào áp lực lạm phát gia tăng và lợi suất trái phiếu thực giảm.
Standard Chartered tin rằng khá nhiều áp lực đã được định vào giá của vàng, bao gồm sức mạnh của USD cho đến việc thu hẹp QE và tăng lãi suất.
Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Công ty Giao dịch Bannockburn Global Forex cho biết, trong khi lo ngại về COVID-19 đã giúp thị trường vàng cắt lỗ, nhiều khả năng giá còn xuống thấp hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia này chỉ ra rằng, đà phục hồi của vàng đã dừng lại trước ngưỡng 1.816 USD/ounce, một ngưỡng hồi quy quan trọng.