Thị trường giá thịt lợn ở mức thấp kỷ lục, Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.
Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục giảm. Đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá thịt lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9/2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg).
Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Giá sản phẩm chăn nuôi nói chung và giá lợn hơi nói riêng vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi vẫn thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp tết nguyên đán tới đây nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường.
Lý giải nguyên nhân giá heo giảm như vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do dịch Covid-19 nhiều tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50%.
Trong khi đó, nguồn cung dồi dào. Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.
Trang Vietnamnet thông tin rằng, đến nay, dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, nhưng lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại làm việc. Các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường. Từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT quyết định lập hai tổ công tác phía Bắc, phía Nam để tổ chức kết nối giao thông; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Bộ đã triệu tập cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Giá xuất chuồng và giá thành phẩm chênh bất hợp lý
Theo Báo Pháp luật chia sẻ,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá rằng, thực trạng hiện nay là giá thịt lợn thành phẩm chưa giảm tương xứng do với giá lợn hơi. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 60.000 – 100.000 đ/kg tại chợ và ở mức 98.000- 130.000đ/kg tại siêu thị.
Theo ông Hải, trong cơ cấu giá thịt heo, trung bình 100 kg heo hơi thu được khoảng 55-60 kg thịt heo thành phẩm. Như vậy, tỷ trọnggiá heo hơi chỉ chiếm 55-60% trong giá heo thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải...). Do đó giá thịt heo thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá heo hơi.
Đồng thời, tùy theo sở thích tiêu dùng và tỷ lệ các loại thịt heo thành phẩm mà giá bán các loại thịt heo cũng có sự chênh lệch khác nhau.
Cần thanh, kiểm tra làm rõ sự chênh lệch giá bán
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý, “việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết”, ông nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho hay, giá cả vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước. Cần khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được.
Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo, kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.