0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 24/12/2021 11:52 (GMT+7)

Giá heo "lên thác xuống ghềnh", bà con ghi nhận thêm một năm nhiều sóng gió

Năm 2021, người chăn nuôi heo và các doanh nghiệp đều chịu thiệt hại kinh tế nặng nề. Liên tục phải hứng chịu nhiều yếu tố, nguyên nhân như: Bão giá thức ăn, tắc khâu vận chuyển lưu thông, nhu cầu tiêu thụ giảm vì dịch COVID-19...

Đối với ngành heo, năm 2021 là một năm cực kì khó khăn. Bão giá thức ăn, tắc khâu vận chuyển lưu thông, nhu cầu tiêu thụ giảm vì dịch COVID-19... Nhiều nguyên do đã nhấn chìm giá heo hơi chạm đáy, xuống dưới mức hòa vốn.

Sau tất cả, bà con nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi heo là những người chịu thiệt thòi nhất.

tm-img-alt
Giá heo năm 2021 "lên thác xuống ghềnh". 

Thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, bà con "khóc ròng" vì lỗ nặng

Giá nguyên liệu tăng vọt, thức ăn chăn nuôi chiếm 80-85% giá thành sản xuất. Việt Nam phải nhập khẩu 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi heo từ nước ngoài, đồng nghĩa giá thức ăn thành phẩm sẽ phụ thuộc, biến động theo thị trường thế giới. 

Tính đến thời điểm này, giá nguyên liệu chăn nuôi như: Ngô, đậu tương, lúa mỳ liên tục tăng 16 - 46%.

tm-img-alt
Thức ăn chăn nuôi heo tăng cao, người nông dân gặp khó. Ảnh minh họa

Nguyên nhân tăng giá là do sản lượng của các nước nhập khẩu giảm và cước vận tải tăng 200 - 300%, khiến giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao. Các doanh nghiệp như C.P, Greenfeed, CJ Vina Agri, Công ty US Feed, Hòa Phát Đồng Nai có 8, 9 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi và mới đây "ông lớn" De Heus dự báo sẽ có đợt tăng thứ 10 vào cuối năm 2021.

Việc bão giá thức ăn chăn nuôi gây tác động xấu đến ngành chăn nuôi trong nước, trong bối cảnh giá heo hơi có xu hướng giảm dần.

tm-img-alt
Giá heo hơi giảm mặc cho giá thức ăn chăn nuôi tăng như vũ bão. Ảnh minh họa.

Từ tháng 1, giá heo hơi bắt đầu giảm nhẹ từ mức 78.000 – 85.000 đồng/kg xuống 67.000 – 70.000 đồng/kg vào cuối tháng 6, giảm 15 – 20%. Mức giá này vẫn đảm bảo cho các hộ chăn nuôi hòa vốn nhưng nếu giá heo hơi tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ đối mặt với thua lỗ.

Với những hộ nuôi nhỏ lẻ, mức thiệt hại kinh tế có thể lớn hơn khi không chủ động về con giống, thức ăn chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã phải xuất chuồng cho heo sớm để trả nợ.

Heo quá lứa tồn đọng, giá heo rơi tự do khiến bà con nông dân, doanh nghiệp lỗ nặng

Nhiều hộ chăn nuôi trầy trật tìm tiêu thụ bởi giãn cách xã hội dịch bệnh khiến các địa phương "ngăn sông, cấm chợ", việc  vận chuyển, lưu thông hàng hóa khó khăn.  Tình trạng ứ đọng 30% đàn heo quá lứa 120 – 130 kg, tương đương với 1,5 triệu con. Nhiều nông dân khốn khổ, gồng lỗ khi heo quá lứa ngốn tiền triệu thức ăn chăn nuôi mỗi ngày trong khi thương lái vẫn bặt vô âm tín.

tm-img-alt
Nguồn: Vietnambiz

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân trong thời gian giãn cách xã hội giảm mạnh. Nhà hàng, quán ăn, bếp ăn đóng cửa khiến giá heo hơi lao dốc, xuống mức 33.000 – 37.000 đồng/kg, cuối tháng 10 năm nay, heo mỡ chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg.

Giá heo giảm mạnh là thế, nhưng người tiêu dùng vẫn kêu đắt?

Nghịch lý giá heo hơi liên tục lao dốc, giá thịt heo bán lẻ tại các chợ và siêu thị vẫn có giá cao khiến các hộ chăn nuôi lao đao mà người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi.

Trong giai đoạn cao điểm phòng dịch COVID-19 từ tháng 7 đến tháng 9, giá heo hơi dao động 45.000 – 65.000 đồng/kg nhưng giá thịt vẫn ở mức cao, khoảng 80.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. 

tm-img-alt
Giá thịt heo ngoài chợ vẫn cao ngất ngưởng dù trên tivi thông báo giá heo đang giảm.

Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, thu nhập của nhiều gia đình giảm.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, việc vận chuyển từ vùng này sang vùng khác trở nên khó khăn, đặc biệt là các địa phương đang giãn cách xã hội.

"Người phân phối phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh như kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đội giá thịt heo lên cao.

Mặt khác, từ trang trại đến bàn ăn trải quá nhiều khâu trung gian, các tiểu thương lợi dụng việc đó tạo chênh lệch để hưởng lợi", ông Trọng nói.

Chính những nút thắt như thế khiến giá heo hơi giảm, giá thịt vẫn tăng. Người sản xuất phải bán giá thấp, người tiêu dùng phải mua giá cao, duy chỉ có khâu trung gian có lãi.

Ngay cả khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, giá thịt heo vẫn ở mức cao và có chênh lệch lớn giữa miền Nam và miền Bắc.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP HCM và tỉnh ĐBSCL, việc vận chuyển khó khăn nên chênh lệch giữa giá xuất chuồng - giá bán lẻ và giá thịt heo ở các địa phương.

Giá heo bỗng khởi sắc, đảo chiều ngoạn mục lên mức 55.000 đồng/kg

tm-img-alt
Giá heo hơi bỗng bật tăng mạnh do sự chuyển biến mới của dịch COVID-19. 

Nhiều địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội, chuyển dần sang trạng thái thích ứng với dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu tiêu thụ phục hồi. Tết đang đến gần, đã "tiếp sức" cho giá heo hơi thoát khỏi mốc đáy 30.000 đồng/kg trong cuối tháng 10 và đạt mốc 50.000 đồng/kg kể từ tháng 11.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: "Theo quy luật thời điểm cuối năm, các công ty chế biến tăng cường thu mua heo để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ tết. Kéo theo nhu cầu heo tăng mạnh và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bắt đầu tăng giá".

Giá heo bật tăng, người chăn nuôi phấn khởi nhưng vẫn chưa dám tái đàn vì tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, nhu cầu tiêu thụ khó dự đoán.

Chia sẻ với báo Bạc Liêu, bà Nguyễn Thị Út Em cho biết: "Nghe giá heo tăng, bà con chăn nuôi trong xóm ai cũng phấn khởi. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa dám tăng đàn mà chỉ nuôi cầm chừng.

Nếu cứ tính theo kiểu "đi trước đón đầu" không khéo lại phải chịu lỗ như những tháng trước khi giá heo lao dốc".

Thị trường heo Tết Nguyên đán 2022 - "sân chơi" của các ông lớn 

Các cơ quan chức năng dự báo, giá heo hơi sẽ phục hồi vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động ở hầu hết các ngành kinh tế giảm mạnh do dịch bệnh, khó đẩy giá heo hơi tăng mạnh như mọi năm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III, thu nhập bình quân của người lao động ở đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.

tm-img-alt
Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến thu nhập người dân giảm, mức tiêu thụ heo theo đó cũng giảm theo. Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dự báo, mức tiêu thụ thịt heo của người dân vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ giảm khoảng 30% so với thời điểm 2019. Đồng thời, diễn biến giá heo năm 2022 phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, với chính sách thích ứng linh hoạt với dịch, giá heo hơi sẽ không có những biến động mạnh như thời điểm tháng 9,10 năm 2021 vừa qua.

Với diễn biến này, những hộ nông dân nhỏ lẻ đã hòa vốn và có lãi nhẹ. Còn các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi có thể lãi 10.000 – 15.000 đồng/kg vì chi phí sản xuất chỉ dao động 45.000 đồng/kg.

tm-img-alt
Giá heo hơi 2022 phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa

Thị trường heo cuối năm được xem là "sân chơi" của các ông lớn có lợi thế về vốn, hệ sinh thái khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, thú y và dây chuyền giết mổ, sản xuất sản phẩm chế biến từ thịt đến hệ thống phân phối. Rrong năm 2021, ngành chăn nuôi cũng chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ giữa các ông lớn.

Mới đây De Heus Việt Nam mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan với tham vọng củng cố vị thế của mình trong ngành chăn nuôi Việt Nam.

tm-img-alt
Bắt tay với Masan, De Heus nuôi tham vọng lớn tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngoài ra, De Heus cũng "bắt tay" với Hùng Nhơn xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao với trang trại con heo cụ kỵ và ông bà, cung cấp nguồn gen tốt cho khu vực Tây Nguyên.

Theo xu hướng phát triển, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi ngày càng lớn mạnh và số nông hộ nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp.

Bạn đang đọc bài viết Giá heo "lên thác xuống ghềnh", bà con ghi nhận thêm một năm nhiều sóng gió. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới