"Gia hạn nộp thuế sẽ tháo gánh nặng cho doanh nghiệp thời điểm chồng chất khó khăn"
Gia hạn nộp thuế không phải là “phép màu” giúp doanh nghiệp hồi phục nhưng đây là chính sách giảm bớt phần nào gánh nặng cho họ trong thời điểm khó khăn, giai đoạn nước sôi lửa bỏng này.
Tôi được biết, ngày 14/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chính sách này ra đời vào thời điểm hiện nay là rất hợp lý và cần thiết, bởi sẽ phần nào đó tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong năm 2022, tình trạng nợ thuế diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/11/2022 là 126.642 tỷ đồng, tăng 3% (so với thời điểm 31/12/2021). Đây là con số khá lớn. Nguyên nhân được lý giải là do một phần do ảnh hưởng của COVID-19, kèm theo thiên tai, bão lũ gây ra khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ do tình hình kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều thách thức, thiếu nguyên liệu đầu vào… không có khả năng nộp ngân sách Nhà nước đúng hạn.
Sau những năm liên tiếp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản. Không ít doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại nhưng hoạt động cầm chừng vì khó khăn mọi bề. Không chỉ thiếu tiền đầu tư sản xuất kinh doanh, họ còn không có tiền để nộp thuế. Các doanh nghiệp nợ quá lâu bị “bêu tên” công khai trên web của ngành thuế, thậm chí là bị cưỡng chế thuế ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh và hợp tác kinh doanh. Đây là điều hết sức đau lòng.
Vì thế, tôi cho rằng, chính sách gia hạn nộp thuế thời điểm này được xem là rất ý nghĩa đối với các doanh nghiệp. Tất nhiên, nó không phải là “phép màu” giúp doanh nghiệp hồi phục nhưng đây là chính sách giảm bớt phần nào gánh nặng cho họ trong thời điểm khó khăn, giai đoạn nước sôi lửa bỏng này. Bởi, sau nhiều năm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp phải có khoảng thời gian ổn định để hồi phục. Và đây là đang ở trong giai đoạn đó.
Có thể nói, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế với tổng số tiền là 1.030 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với tổng số tiền là 1.727 tỷ đồng. Đó còn chưa kể đến hàng loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được ban hành liên tiếp trong năm 2022 và đầu năm 2023.
Tôi cho rằng, Nghị định 12 của Chính phủ sẽ có tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thay vì nộp thuế trong thời điểm này, các doanh nghiệp được gia hạn, và dùng nguồn tiền quý báu đó tập trung cho sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Chúng ta nên nhớ rằng, thời điểm này vốn, nguồn tín dụng chính là “máu”, là sự sống của doanh nghiệp. Minh chứng cho thấy, thời gian qua, nguồn tín dụng có thời điểm bị siết chặt đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp như thế nào.
Đối với các doanh nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng, tôi đánh giá Nghị định 12 sẽ đem đến những hiệu ứng tích cực. Bởi đối tượng được gia hạn thuế gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đây là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh chúng ta.
Tại Sóc Trăng, việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy sản được xem là các ngành đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản đang từng bước vượt qua khó khăn để thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, Vì thế, tôi rất mừng khi những doanh nghiệp trong lĩnh vực này nằm trong đối tượng được gia hạn nộp thuế.
Ngoài ra, một đối tượng nữa được áp dụng việc gia hạn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo thống kê, tại Sóc Trăng, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Và đây cũng là hai đối tượng được gia hạn thuế theo Nghị định 12.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Để đáp lại sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo UBND tỉnh, các doanh nghiệp cũng nỗ lực từng ngày, cố gắng vượt qua khó khăn để góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Theo đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Sóc Trăng tăng hơn 50% so với giai đoạn trước, tổng số vốn đăng ký mới tăng hơn 180%. Khu vực doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng thêm chiếm hơn 57% tổng GRDP của tỉnh trong năm 2020; số nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp chiếm hơn 81% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Hiện nay, chúng ta đang đồng sức triển khai Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2025. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có khoảng 2.500-3.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Đến năm 2025, tổng số có khoảng 5.900 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chiếm khoảng 3-4%; quy mô lớn chiếm khoảng 2-3% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh vào năm 2025; Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm tỉ lệ 62% vào năm 2025; Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 85% tổng thu nhập ngân sách tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự nhiệt huyết của các cơ quan chức năng, trong đó có cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu. Chỉ trong 1 tháng, Chủ tịch UBND tỉnh đã đích thân tổ chức 3 buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ trong những buổi đối thoại trực tiếp như vậy. Có lẽ, chính vì sự quan tâm của các cấp chính quyền mà Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Sóc Trăng năm 2022 đã tăng 20 bậc so với năm 2021, hiện đang đứng thứ 34 trên cả nước. Bên cạnh đó, cũng nhờ sự quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (Chỉ số PAPI) năm 2022 tỉnh Sóc Trăng đạt 42,85 điểm, thuộc nhóm Trung bình cao. So với năm 2021, Chỉ số PAPI tăng 2,81 điểm, tính từ điểm cao đến điểm thấp thì Sóc Trăng xếp hạng 24/61 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 27 bậc so với năm 2021), xếp thứ 3/13 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long sau Bạc Liêu, Vĩnh Long.
TS.Trần Khắc Tâm
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng