0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 07/12/2020 15:10 (GMT+7)

Gạo Việt Nam được khẳng định trên thị trường quốc tế

Gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo đã được cải thiện, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Hiện, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất bán ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu có thời điểm lên đến ngưỡng 495 -500 USD/tấn và đây là mức giá khá tốt tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Gạo Việt Nam được khẳng định trên thị trường quốc tế
Gạo Việt Nam được khẳng định trên thị trường quốc tế

Với giá xuất khẩu bình quân đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng mạnh dù sản lượng xuất khẩu giảm.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Hơn nữa, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo japonica chiếm 3,39%, gạo nếp chiếm 9,26%… Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 với giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá về giá gạo xuất khẩu tăng cao có ảnh hưởng đến cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, đồng baths và đồng rupee đang có xu hướng giảm giá so với USD đã góp phần làm giảm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, trong khi đồng Việt Nam tương đối ổn định.

Trước bối cảnh, thu hoạch lúa vụ Thu - Đông trong nước sắp kết thúc, trong khi xuất hiện nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, dự kiến giá gạo Việt Nam vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu trữ lương thực của các nước trước dịch bệnh COVID-19, giá gạo Việt Nam xuất khẩu ở mức cao do chiếm phần lớn trong sản lượng gạo xuất khẩu là các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn trước. Đặc biệt, việc gạo thơm ST25 là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới cũng góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), kế hoạch vụ Đông Xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống 1,55 triệu ha (tăng 3.500ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020), năng suất ước đạt 70,34 tạ/ha (tăng 1,17 tạ/ha), sản lượng hơn 10,9 triệu tấn (tăng 205.600 tấn).

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính. Đồng thời, góp phần tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực thị trường EU và RCEP.

Để tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.

Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Theo thống kê của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) 11 tháng của năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt trên 5,35 triệu tấn, thu về gần 2,64 tỷ USD; giá gạo xuất khẩu trung bình đạt gần 494 USD/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn. Kỳ vọng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tiếp tục là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường tiềm năng này và dự báo giá bán sẽ còn tăng, ổn định trong năm tới.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Gạo Việt Nam được khẳng định trên thị trường quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.