0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 13/02/2023 16:00 (GMT+7)

F88 bị nợ đóng bảo hiểm xã hội cho gần 2.200 lao động

Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 vừa bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội điểm tên vì nợ bảo hiểm xã hội cho gần 2.200 lao động với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023. Trong số các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội có Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (địa chỉ P.206, Tòa nhà N01A Số 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Doanh nghiệp này nợ đóng bảo hiểm xã hội cho hơn gần 2.200 lao động với số tiền hơn hơn 4 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 ra đời năm 2013 với mô hình Hệ thống cầm đồ toàn quốc. Trên website của doanh nghiệp này cho biết, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 hiện đang cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố đa dạng các loại tài sản như: Cầm đồ ô tô, cầm đồ xe máy, cầm đồ điện thoại, cầm đồ laptop, … Với thế mạnh trên thị trường cầm đồ Việt Nam, tháng 1 năm 2017 Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 đã nhận đầu tư từ quỹ tài chính quốc tế Mekong Capital.

F88 nợ đóng bảo hiểm xã hội cho gần 2.200 lao động - Ảnh 1
Một trong số các cửa hàng của F88.

Sau 2 năm từ khi Quỹ Mekong Capital tham gia đầu tư chiến lược, F88 được xem là có những bước phát triển vượt trội. Tính đến 11/2018, F88 đã phát triển lên 45 cửa hàng cầm đồ chuyên nghiệp ở 6 thành phố lớn phía bắc với tổng giá trị giải ngân năm 2017 gần 600 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ngày 27/11/2018, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 nhận thêm khoản đầu tư tăng trưởng từ Granite Oak, một quỹ đầu tư Châu Âu với định giá công ty gần 1.000 tỷ đồng.

Được biết, ông chủ của F88 là ông Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ. Ông thường được mọi người gọi với biệt danh Tuấn Pat. Sau khi tốt nghiệp THPT Chuyên Hùng Vương, anh trở thành sinh viên xuất sắc của đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ông từng là chuyên gia an ninh mạng rẽ ngang sang hướng cầm đồ.

Ông Tuấn từng thừa nhận, cá nhân ông luôn thích làm những thứ mới mẻ, đột phá và có đóng góp cho xã hội. Năm 2003, khi thành lập Công ty An ninh mạng VSEC thì đây một startup trong lĩnh vực bảo mật hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó, trung tâm là đơn vị đào tạo đầu tiên về An toàn thông tin ở Việt Nam. Tương tự, khi ông quyết định thành lập cầm đồ F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam.

Về nguyên nhân khởi nghiệp dự án cầm đồ, doanh nhân Phùng Anh Tuấn cho biết, do những năm đầu thời sinh viên, ông đã khởi nghiệp mở công ty. Cuối tháng, sau khi trả chi phí lương cho nhân viên xong thì hết tiền hay doanh thu chưa bù được chi phí nên có những lúc ông phải mang đồ đi cầm cố.

Cũng liên quan đến F88, mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các điểm cầm đồ F88 ở Thanh Hóa. Cụ thể, trong đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hụi, họ, biêu, phường, thời gian qua Công an TP Thanh Hóa đã kiểm tra hành chính 7 chi nhánh, cơ sở kinh doanh cầm đồ F88 trên địa bàn.

Qua kiểm tra, công an phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty cổ phần kinh doanh F88 tại các phường Tân Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Quảng Tâm, Đông Sơn, Đông Thọ ở TP Thanh Hóa.

Những cơ sở trên có các vi phạm như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản.

Căn cứ các biên bản vi phạm hành chính do công an lập, UBND TP Thanh Hóa đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính với các điểm kinh doanh F88 nêu trên với tổng số tiền 108 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương với tổng số tiền nợ gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu. Cùng với đó là nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại khoản nợ lớn tiền lương của người lao động vẫn diễn ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả chế độ trước đó họ đáng được hưởng đều bằng 0.

Theo Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018-2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó, 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Tuyết Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết F88 bị nợ đóng bảo hiểm xã hội cho gần 2.200 lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới