F0 đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm không?
Vừa qua, một số người bất ngờ khi test nhanh phát hiện tái dương tính với Covid trong khi mới khỏi bệnh được vài tuần hoặc vài tháng. Các chuyên gia nhận định, F0 dù khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm cao, đặc biệt chủng Omicron cũng có thể gây bệnh nặng.
Nguy cơ tái nhiễm Omicron ở F0 đã khỏi bệnh cao hơn các chủng khác
Theo Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, (chuyên gia về miễn dịch và truyền nhiễm), Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho biết để biết chính xác một người có tái nhiễm hay không và với chủng nào, họ phải thực hiện giải trình tự gene.
"Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại nCoV. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu. Sau một thời gian, chúng sẽ suy yếu và mất đi. Ngoài ra, kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không bảo vệ cơ thể trước chủng mới. Khi đó, người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới", TS Đức Hùng nói.
Ông cho hay nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron rất cao, cao hơn so với tái nhiễm biến chủng Beta hay Delta. Điều này do chúng có nhiều đột biến tại vùng spike protein và các vùng khác. Vì vậy, biến chủng này có thể tránh được đề kháng nhận được từ người đã tiêm vaccine (kháng thể và miễn dịch tế bào T).
Tuy nhiên, Omicron lại gây triệu chứng nhẹ vì có ít khả năng chống lại miễn dịch của tế bào theo cơ chế sản xuất Interferon-gamma. Một lý do khác là do vị trí của chúng. Omicron có nhiều ở mũi, phần trên của hệ hô hấp và tạo ra nhiều bản sao. Điều này cũng lý giải tại sao biến chủng này lây lan nhanh. Nhưng Omicron lại ít được tìm thấy ở phần dưới của phổi (tên là phế nang) so với các biến chủng khác nên có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn.
Cùng lí giải về vấn đề tái nhiễm Covid-19 của người bệnh, TS Phạm Quang Thái, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Điều lạ ở virus SARS-COV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”.
TS Thái cho biết thêm, phần lớn người nhiễm đều ở thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. “Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng sẽ làm giảm các triệu chứng tăng nặng và nguy cơ tử vong ở người bệnh. Sau khi mắc Covid-19, những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 nên tiêm đủ, tránh suy nghĩ đã có miễn dịch rồi mà không chích ngừa vắc xin. Mũi vắc xin tiêm sau khi mắc bệnh đã được chứng minh tăng kháng thể rất nhiều, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu Covid-19”, TS Thái thông tin.
Cần đánh giá, nghiên cứu trường hợp tái nhiễm
Khẳng định có thể xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý cần phải phân biệt rạch ròi giữa tái nhiễm và tái dương tính. Theo đó, tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.
“Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi Covid-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm. Nếu tái nhiễm tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước”, bác sĩ Cấp giải thích. Đồng thời lí giải thêm, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khẳng định đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này.
“Chúng ta cần phải có số liệu để đánh giá cụ thể về vấn đề tái nhiễm, có thêm những biện pháp ứng phó cho phù hợp. Cần xem xét tỉ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, khoảng cách giữa hai lần mắc như thế nào? Ngoài ra, phải giải trình tự gene để xem chủng mắc là gì, có phải mỗi lần mắc là một chủng khác nhau hay không? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh”, TS Phu nói.
Theo CNN, phát hiện của nhóm chuyên gia Vương quốc Anh sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu SIREN của các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Hơn 35.000 người tham gia đã được theo dõi trong thời gian từ ngày 7/12/2020 đến 21/9/2021, được làm xét nghiệm rRT-PCR hai lần/tuần.
Các tác giả phát hiện trong số những người mắc Covid-19 trước đó, nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 86% so với nhóm chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, mức bảo vệ này đã giảm xuống 69% sau hơn một năm kể từ khi bị nhiễm virus. Điều này cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ tái mắc Covid-19 không thể duy trì mãi mãi.