Dư nợ margin toàn thị trường ước tính 230.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022, cao nhất từ trước tới nay
Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE trong tháng 3 chỉ quanh ngưỡng 26.700 tỷ đồng, giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra ước tính quy mô dư nợ margin toàn thị trường hiện đạt khoảng 230.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Việc dư nợ margin liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường thời gian gần đây có phần "hạ nhiệt". Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE trong tháng 3 chỉ quanh ngưỡng 26.700 tỷ đồng, giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Theo ước tính trước đó vào cuối năm 2021, dư nợ cho vay trên toàn thị vào khoảng 193.000 tỷ đồng (~8,4 tỷ USD), trong đó có khoảng gần 180.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán.
Việc nhà đầu tư đẩy mạnh sử dụng margin khi đó đã khiến nhiều thời điểm một số Công ty chứng khoán (CTCK) không thể cho vay do đã "kín room". Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần Vốn chủ sở hữu (VCSH) và điều này khiến một số CTCK lớn đang tiệm cận mức giới hạn cho vay như HSC, PHS, MBS, Mirae Asset…
Để giải quyết bài toán room cho vay, hàng loạt Công ty chứng khoán đã đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn ngay từ đầu năm 2022.
Mới đây, Chứng khoán VNDirect (mã VND) đã được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. Cụ thể, VNDriect sẽ chào bán 782,9 triệu cổ phiếu, bao gồm 434,94 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông (tỷ lệ 80%) từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau phát hành, vốn điều lệ của VNDirect dự kiến sẽ tăng từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng, qua đó gia tăng năng lực cung cấp dịch vụ tài chính đặc biệt trong bối cảnh các CTCK chỉ được phép cho vay margin không quá 2 lần vốn chủ sở hữu.
Không chịu kém cạnh, Chứng khoán SSI (mã SSI) cũng đã thông qua phương án chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động dự kiến là 7.460 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SSI sẽ tiếp tục chào bán hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liên tiếp trước ngày HĐQT phê duyệt phương án chi tiết. Dự kiến phương án này sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoạt động chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trình bày ở trên kết thúc. Nếu thành công, vốn điều lệ SSI có thể tiếp tục tăng lên mức 15.961 tỷ đồng, củng cố vị trí công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệdns lớn nhất thị trường.
Đáng chú ý nhất phải kể đến kế hoạch tăng vốn gấp 33 lần từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng của VPBank Securities sau khi được VPBank mua lại và đổi tên từ Chứng khoán ASC. CTCK này dự kiến sẽ tiến hành chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Với kế hoạch tăng vốn khủng, VPBank Securities từ "bé hạt tiêu" có thể sẽ trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ 3 chỉ sau SSI và VNDirect. Theo kế hoạch, số vốn thu được từ đợt phát hành thêm sẽ được để bổ sung cho nguồn lực cho mảng hoạt động kinh doanh môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) cũng cho thấy tham vọng chen chân vào top đầu về vốn điều lệ với phương án phát hành 325,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) nhằm nâng vốn lên mức 6.505 tỷ đồng. SHS cho biết doanh nghiệp dự kiến tăng giá trị vay margin gấp 2 lần năm 2021 và hướng tới mục tiêu doanh số môi giới khoảng 1.100-1.200 tỷ đồng qua đó lọt vào nhóm 6-7 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HoSE trong năm 2022.
Cũng có kế hoạch tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng, Chứng khoán Tiên Phong (mã ORS) dự kiến sẽ phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu thông qua các phương án: chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (200 triệu cổ phiếu), chào bán cổ phiếu riêng lẻ (100 triệu cổ phiếu). Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 2.000 tỷ lên mức 5.000 tỷ đồng.
Chứng khoán Smart Invest (mã AAS) cũng có kế hoạch tăng vốn nhảy vọt từ 800 tỷ lên 5.000 tỷ đồng thông qua trả cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ. Cụ thể, AAS sẽ phát hành tổng cộng 420 triệu cổ phiếu mới bao gồm 40 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 50%), phát hành 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) và chào bán 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã VDS) cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, VDSC dự kiến sẽ phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:35); phát hành 10,5 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1).
Song song, VDSC cũng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 52,6 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền (tỷ lệ 2:1) và phát hành ESOP hơn 5 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,8% lượng cổ phiếu lưu hành) cùng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Chứng khoán BSC (mã BSI) dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác Hana Financial Investment Co., Ltd (HFI) 65,7 triệu cổ phần, tương đương 54,07% số cổ phiếu đang lưu hành. Sau phát hành, vốn điều lệ của BSC dự kiến tăng từ 1.221 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng trong đó đối tác chiến lược Hàn Quốc nắm giữ 35% vốn.
Ngoài ra, Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS), Chứng khoán VIX (mã VIX), Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán DNSE, Chứng khoán Thành Công (mã TCI),... cũng đều đã chuẩn bị tăng vốn điều lệ trong năm 2022.
Có thể nói, với xu hướng người dân đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới chứng khoán, hoạt động tăng vốn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp các CTCK gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng. Mùa ĐHCĐ mới chỉ bắt đầu và còn nhiều CTCK chưa công bố tài liệu. Không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều CTCK công bố kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới.