0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 10/06/2022 15:35 (GMT+7)

Du lịch Việt Nam khởi sắc trên các bảng xếp hạng thế giới

Hiện nay, những thế mạnh có thể kiến tạo động lực phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã có sự cải thiện rất đáng kể. Đặc biệt, 6 chỉ số trụ cột của ngành du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.

6 chỉ số trụ cột thuộc top dẫn đầu thế giới

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.

Trước đó, báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Cùng với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc) là ba quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất. Tuy nhiên, xét về tương quan trong khu vực, Việt Nam làm tốt hơn rất nhiều so với các điểm đến nổi tiếng khác như Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36, Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38, Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.

Được biết, Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm, gồm: (1) Môi trường hoạt động; (2) Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch; (3) Cơ sở hạ tầng; (4) Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và (5) Sự bền vững của du lịch.

Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35), gồm có: (1) Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; (2) Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; (3) Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; (4) Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; (5) Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; (6) An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.

Du lịch Việt Nam khởi sắc trên các bảng xếp hạng thế giới - Ảnh 1
Du lịch Việt Nam khởi sắc, tạo luồng sinh khí mới góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 7 chỉ số trụ cột được xếp trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới (hạng 36-70), đó là: (1) Môi trường kinh doanh, xếp hạng 42; (2) Nhân lực và thị trường lao động, xếp hạng 49; (3) Hạ tầng mặt đất và cảng, xếp hạng 50; (4) Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, xếp hạng 54; (5) Sức chống chịu kinh tế - xã hội, xếp hạng 61; (6) Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch, xếp hạng 66; (7) Mức độ mở cửa quốc tế, xếp hạng 69.

Như vậy, trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới.

Đặc biệt, những chỉ số tăng hạng nhiều nhất như: Môi trường kinh doanh tăng 30 bậc; Nhân lực và thị trường lao động tăng 27 bậc; Sức cạnh tranh về giá tăng 20 bậc; An toàn, an ninh tăng 16 bậc; Hạ tầng mặt đất và cảng tăng 15 bậc. Đây là những động lực chủ yếu giúp Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp vào 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.

Nhìn chung, những thế mạnh có thể kiến tạo động lực phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã có sự cải thiện rất đáng kể, bao gồm 6 chỉ số trụ cột nằm trong nhóm chỉ số dẫn đầu thế giới (hạng 1-35). Trong đó có sự bổ sung của những chỉ số rất quan trọng như an toàn, an ninh là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời kỳ sau đại dịch. Bên cạnh đó là hạ tầng hàng không - chỉ số then chốt quyết định khả năng kết nối đi lại du lịch. Bảy chỉ số khác của Việt Nam nằm trong nhóm trung bình cao (hạng 36-70) cũng là những yếu tố sẽ góp phần định hình sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau đại dịch.

Mở ra cánh cửa mới cho du lịch Việt Nam

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đó là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại và nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham dự SEA Games 31.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Sau hơn 2 tháng mở cửa lại toàn bộ các hoạt động (từ 15/3), du lịch Việt Nam đã thật sự khởi sắc, tạo luồng sinh khí mới góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ ngày 27/4/2022, Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế; từ ngày 15/5 tiếp tục tạm dừng xét nghiệm Covid-19 đối với khách nhập cảnh. Điều này đã tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi nhằm thu hút đông đảo du khách đến nước ta.

Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được những danh hiệu của các tổ chức giải thưởng du lịch toàn cầu như: Điểm đến du lịch châu Á trong 4 năm liền, điểm đến golf tốt nhất châu Á, điểm đến hàng đầu về di sản, điểm đến hàng đầu về ẩm thực…

Những danh hiệu đó là sự ghi nhận, đánh giá rất khách quan từ bên ngoài đối với du lịch Việt Nam. Từ những tiêu chí đó mới ra được chỉ số năng lực phát triển về du lịch Việt Nam mà WEF vừa công bố. Sự ghi nhận của thế giới đã tạo niềm tin, sự tự tin cho ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Đánh giá về tình hình phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch Việt Nam trở lại với diện mạo mới, tâm thế mới, có sự chuẩn bị chu đáo cả về đầu tư nguồn lực và những chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Sức ảnh hưởng của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế đã tác động tích cực đối với du lịch Việt Nam. Mới đây nhất, sự kiện SEA Games 31 được Việt Nam tổ chức sau 2 năm do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thành công rực rỡ. Sự ổn định về chính trị, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, sức sống của nền kinh tế đã tạo nên sức hút của du lịch Việt Nam mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, xã hội… Qua đó, hình ảnh Việt Nam khắc ghi ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế.

Nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam mở cửa trở lại với sự chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng sức hấp dẫn của điểm đến cũng như sự thân thiện, mến khách, chu đáo của con người Việt Nam… là những điểm cộng giúp cho du lịch Việt Nam luôn được đánh giá rất cao từ các tổ chức chuyên ngành đến khách du lịch trên toàn thế giới.

Có thể nói, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành. Để phục hồi và phát triển du lịch hơn nữa, phải bảo đảm môi trường an toàn và phát triển bền vững; phải đổi mới và khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, chủ động sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới…

Nhận định những năm qua Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Du lịch, cho biết: “Từ năm 2015- 2019, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, nằm trong số 6 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng (năm 2019); hệ thống sản phẩm du lịch dần được hoàn thiện, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển liên tục; Việt Nam đạt nhiều giải thưởng quốc tế do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) bình chọn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Việt Nam khởi sắc trên các bảng xếp hạng thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới