0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 27/10/2021 11:43 (GMT+7)

Cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022, kiềm chế khan hiếm hàng

Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán 2022, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid phức tạp.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong việc chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về một số biện pháp xây dựng kế hoạch phục vụ Tết và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng

- Ông có thể chia sẻ về xu hướng tiêu dùng năm nay và kế hoạch cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Dần sắp tới?

Ông Trần Duy Đông:Dịch Covid-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm.

Bởi vậy, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hơn nữa, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.

Hà Nội chuẩn bị 39.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần

- Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì xung quanh tình trạng người tiêu dùng lo ngại thiếu nguồn cung thực phẩm, nhất là thời điểm Tết đang cận kề?

Ông Trần Duy Đông: Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương nói chung và Vụ Thị trường trong nước nói riêng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như các Tổ công tác đặc biệt nhằm phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, hệ thống phân phối cung ứng hàng hóa để kịp thời có phương án điều tiết hàng hóa trong trường hợp cần thiết.

Kinh nghiệm trong các đợt dịch vừa qua cho thấy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, kể cả trong giai đoạn phải giãn cách xã hội tại các địa phương để phòng chống dịch. Việc thiếu hàng chỉ xảy ra cục bộ tại một số thời điểm do người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Để chủ động trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.

Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Báo cáo của các địa phương cho thấy hiện nay, kể cả ở những địa phương áp dụng đánh giá nguy cơ dịch bệnh cấp độ cao như Phú Thọ, tình hình cung ứng hàng hóa cũng cơ bản thông suốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Vì vậy, người dân có thể yên tâm, không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, nhất là luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K và thông điệp của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.

Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Bộ còn triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc việc sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt khác, bộ sẽ chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

Bạn đang đọc bài viết Cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022, kiềm chế khan hiếm hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới