0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 05/09/2020 08:45 (GMT+7)

Dòng tiền của ngân hàng lớn bị âm hàng chục nghìn tỷ

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Vietcombank âm tới 61.751 tỷ đồng; BIDV cũng bị âm 72.329 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần của ngân hàng có 3 khoản mục chính là lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.

Thông thường dòng tiền vào - ra lớn nhất của các ngân hàng chủ yếu từ thu nhập lãi - chi phí lãi và cho vay - tiền gửi khách hàng. Nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay, phần tiền tăng thêm từ tiền gửi khách hàng không đủ bù cho lượng tăng thêm do cho vay cũng là một yếu tố khiến dòng tiền thuần trong kỳ bị hao hụt.

Tuy nhiên ngoài tác động từ dòng tiền lớn này, còn có những trường hợp đặc biệt cũng khiến tiền của nhiều nhà băng vơi bớt trong nửa đầu năm do giảm tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tăng đầu tư chứng khoán, hay phải thanh toán công nợ hoạt động/giảm tiền vay các TCTD khác…

6 tháng đầu năm 2020, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống, nhưng cũng là ngân hàng có dòng tiền hao hụt khá lớn.

Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này âm tới 61.751 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 âm 34.646 tỷ đồng. Bao gồm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 61.010 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm gần 40.672 tỷ đồng;  lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tàì chính cũng bị âm 747,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ tăng 6.106 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân lớn khiến dòng tiền tại Vietcombank bị âm do Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi.

Cụ thể, lượng tiền gửi KBNN tại Vietcombank giảm mạnh, từ mức hơn 89.289 tỷ đồng vào cuối năm 2019 xuống còn hơn 992 tỷ đồng, tương đương giảm gần 99%. Trong đó, toàn bộ 87.865 tỷ đồng tiền gửi có kì hạn vào cuối năm 2019 đã được KBNN rút ra khỏi Vietcombank. Đồng thời, tiền gửi không kỳ hạn (gồm cả ngoại tệ qui đổi) cũng giảm từ 1.424 tỷ đồng xuống còn 992 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 tại Vietcombank.

Trường hợp tại BIDV, ngân hàng này dường như bị âm đồng thời ở cả 3 khoản mục lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh, đầu tư và tài chính. 

Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuầntrong kỳ bị âm 72.329 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 72.005 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ tăng 3.835 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 323,5 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính vẫn chưa được công bố trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 17,8 tỷ đồng.

Tương tự như Vietcombank, 6 tháng qua tiền gửi của KBNN tại BIDV giảm mạnh là một trong những lý do khiến dòng tiền âm. Cụ thể, giảm mạnh từ gần 99.000 tỷ đồng xuống còn 23.676 tỷ đồng, tương đương giảm 76%. Trong đó, tiền gửi có kì hạn giảm từ 87.865 tỷ đồng xuống còn 13.000 tỷ đồng, tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm 8% xuống mức 9.379 tỷ đồng.

Còn tại MB, kết thúc quý 2/2020, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 2.373 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ tăng hơn 2.252 tỷ đồng), bao gồm lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 4.268 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 4.855 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 398 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Dòng tiền của ngân hàng lớn bị âm hàng chục nghìn tỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới