0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 05/09/2020 13:10 (GMT+7)

Đồng Tháp: Nâng cao hình ảnh và giá trị cho ngành sen

Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để phát triển bền vững ngành hàng sen thành ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Ngành hàng sen còn nhiều điểm "tắc nghẽn"

Nhìn chung, Đồng Tháp là nơi có cơ hội chuỗi giá trị ngành hàng sen, bởi đây là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ đất Sen hồng”; du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương ngày càng thu hút du khách; đồng thời, hệ sinh thái khởi nghiệp từ sen ngày càng phát triển,...

Tuy nhiên, điểm nghẽn, khó khăn trong chuỗi giá trị ngành hàng sen là diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh hiện nay có sự sụt giảm khá lớn. Trước đây cây sen phát triển rất tốt nhưng trong thời gian gần đây, trên các diện tích trồng sen xuất hiện hiện tượng “chết dây”, thoái hóa ngó trong gian đoạn sắp thu hoạch. Thêm vào đó, giá cả sen bấp bênh, khó khăn trong việc liên kết để đảm bảo đầu ra với mức giá ổn định.


Cần tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển giá trị của sen Đồng Tháp

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển giá trị của sen Đồng Tháp


Theo đó, diện tích sản xuất giảm đi rất nhiều (còn khoảng 850 ha) dẫn đến nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm từ sen tại địa phương sụt giảm 50%, thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng, giá cả đầu ra nhiều biến động, liên kết đầu ra chưa nhiều và phát sinh nhiều loại bệnh trên cây sen. Ngoài ra, hiện đang thiếu cơ chế quản lý thống nhất cho phát triển ngành hàng sen, nhất là sản phẩm du lịch hiện nay đang mạnh ai nấy làm; sản phẩm từ sen chưa đa dạng, bao bì, nhãn mác, bảo quản sản phẩm từ sen còn đơn giản v.v..

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ sen như sữa sen, trà sen, hạt sen sấy, rượu sen,... cho rằng, sản lượng sen do nông dân cung ứng thường tập trung theo mùa; nhất là vào mùa nghịch, sản lượng sen rất thấp.

Hơn thế, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn hình thành một vùng nguyên liệu riêng sản xuất theo yêu cầu và đảm bảo chất lượng để sản xuất các sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính.

Thêm vào đó, thiếu sự liên kết hữu cơ giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là doanh nghiệp và nông dân trong việc mua bán sản phẩm; một số ngành hàng sen còn đơn giản, chưa được đầu tư phát triển; khai thác phát triển ngành hàng sen phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn còn nhiều vấn đề nan giải.

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen

Để tháo gỡ những điểm còn "nghẽn" trong ngành hàng sen, giải pháp đặt ra là cần phục hồi và phát triển nguồn nguyên liệu; trong đó, cần có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen, hoặc xen canh lúa sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm, đặc biệt thí điểm và phát huy mô hình trồng sen theo hướng an toàn, định hướng hữu cơ.


Doanh nghiệp và người dân cần liên kết và sự liên kết này cần phải giữ chữ tín để đưa sản phẩm sen Đồng Tháp đi xa hơn.

Doanh nghiệp và người dân cần liên kết để đưa sản phẩm sen Đồng Tháp đi xa hơn


Bên cạnh đó, khi thực hiện liên kết cần đảm bảo chữ “tín” và “sự đoàn kết”; đồng thời, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP (xây dựng thương hiệu, câu chuyện, hoàn thiện bao bì... ), đẩy mạnh xúc tiến; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị Đồng Tháp như tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen...; gia tăng giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch như: ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá tri ̣văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vậṭ từ sen; sử dụng công nghệ phần mềm, thương mại điện tử trong kết nối đầu ra sản phẩm,…

Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành hàng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp mong muốn được các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu giống cây trồng, quy trình sản xuất xen canh trên cùng một diện tích để mang lại hiệu quả cho người trồng sen. Song song đó, về định hướng cơ giới hóa, ngành chuyên môn sẽ khảo sát và thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết bị bóc vỏ, lấy tim sen,… với điều kiện nông dân liên kết, đối ứng thực hiện với quy mô, số lượng lớn.

Đặc biệt, Bí thư Huyện uỷ Tháp Mười - ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, sắp tới huyện sẽ nghiên cứu để xây dựng 02 vùng nguyên liệu sen, thứ nhất là để cung cấp nguyên liệu sản xuất, thứ hai là để phục vụ du lịch, khai thác giá trị gia tăng từ hình ảnh cây sen thông qua các dịch vụ; tính toán đến sự cân bằng lợi ích của người nông dân trong sản xuất từng mặt hàng của ngành hàng sen để giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh, có như vậy mới đảm bảo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong đáp ứng nhu cầu từng mặt hàng của sen.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Đồng Tháp: Nâng cao hình ảnh và giá trị cho ngành sen. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới