0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 23/04/2022 08:47 (GMT+7)

Doanh nghiệp yếu kém không được phát hành trái phiếu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định ngoài xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm, những doanh nghiệp yếu kém không được phát hành và dòng tiền phải phục vụ đúng mục đích phát hành.

Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong quy định sửa đổi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp được Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chiều ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong Quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng; đồng thời, các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.

Trước đó, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020.

Doanh nghiệp yếu kém không được phát hành trái phiếu - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây.

Huy động trên 1,12 triệu tỷ đồng

Thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Cungf, thị trường trái phiếu bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Việc phát triển thị trường vốn trong những năm gần đây cũng tạo đa dạng sản phẩm tài chính các kênh đầu tư cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Để tạo nền móng phát triển thị trường, trong thời gian qua, khung pháp lý về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế với việc ban hành Luật Chứng khoán thế hệ thứ 2 năm 2019.

Trong giai đoạn 2015 đến nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Nghị định, 06 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền trên 45 Thông tư.

Đánh giá về thực trạng phát triển thị trường vốn năm 2020 và quý I/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tài chính có những chính sách ứng phó linh hoạt, nhờ đó, thị trường vốn phát ra những tín hiệu về sự phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, thị trường tăng trưởng ổn định, thể hiện sức chống chịu và phục hồi của nền kinh tế.

Trong năm 2021, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng tốt, thể hiện khả năng chống chịu với đại dịch và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối 2021 với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động. Tính chung năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng 21% so với năm trước.

Thứ hai, tổng mức huy động vốn trên thị trường tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp

Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020.

Hoạt động của thị trường trái phiếu hỗ trợ tích cực trong việc tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ cả về khối lượng, kỳ hạn và chi phí huy động, góp phần tăng tính bền vững của nợ Chính phủ theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách và nợ công.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ duy trì ở mức cao 13,92 năm trong khi lãi suất phát hành bình quân giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 12,2% so với bình quân 2021.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là 31 nghìn tỷ đồng. Trong quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, các doanh nghiệp chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.

Thứ ba, hoạt động của các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết được cải thiện.

Quy mô tổng tài sản của các công ty niêm yết năm 2021 đạt 12.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2020. Lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 35,1% so với năm 2020. Tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện so với năm trước (tăng từ 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021).

Kết quả kinh doanh của công ty niêm yết và công ty đại chúng chưa niêm yết cho thấy hoạt động của công ty đại chúng từng bước phục hồi và thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19. Điều này làm động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của các công ty đại chúng.

Thứ tư, nhà đầu tư tiếp tục hoạt động tích cực trên thị trường.

Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh.

Tính đến hết năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên 4,3 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020.

Trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD). Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ năm, hoạt động quản lý giám sát được nâng cao, tăng tính tuân thủ của thị trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tập trung thực hiện với 467 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong 5 năm qua.

Tính trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh vẫn tổ chức 11 đoàn thanh tra, hủy bỏ chiến lược chào bán trái phiếu và xử phạt hành chính khoảng 2.000 quyết định, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, có 3 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo kiểm tra thị trường; đồng thời, phát nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông.

Cơ chế về quản lý giám sát, xử phạt vi phạm hành chính tiếp tục được hoàn thiện nhằm tăng cường năng lực phát hiện hành vi vi phạm trên thị trường.

Doanh nghiệp yếu kém không được phát hành trái phiếu - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với các đại biểu. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Phát sinh những rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

Một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.

Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực.

Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.

Các hiện tượng rủi ro trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bộ trưởng Tài chính thừa nhận: "Bên cạnh các yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động thị trường tài chính trong nước và quốc tế; thị trường vốn, trị trường trái phiếu đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên còn nhiều biến động".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay: "Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng".

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp yếu kém không được phát hành trái phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới