0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 15/01/2021 11:04 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt Nam 'rộng cửa' tại thị trường Malaysia

Có thể nhận thấy nhu cầu nhập khẩu của Malaysia là rất lớn và các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê...

Ông Phạm Quốc Anh (Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia) cho biết: Malaysia là quốc gia công nghiệp phát triển nên Malaysia có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng thực phẩm, như: Gạo, cà phê, rau, củ, quả, thủy sản, bánh kẹo… với giá trị hơn 50 tỷ Ringgit mỗi năm.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại, là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Malaysia các mặt hàng, như: gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này với các mặt hàng như: Rau, củ, quả, hải sản, đồ ăn uống, bánh kẹo, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi...

Doanh nghiệp Việt Nam "rộng cửa" tại thị trường Malaysia

Cũng theo ông Phạm Quốc Anh, căn cứ vào khả năng tự cung cấp các loại nông phẩm của Malaysia, có thể nhận thấy nhu cầu nhập khẩu của Malaysia là rất lớn và các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thời gian tới, như: Gạo, cà phê; các loại rau, quả…

Đối với mặt hàng gạo, Malaysia chỉ sản xuất được lượng gạo đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ cả nước. Do đó, nhu cầu nhập khẩu từ 0,9-1 triệu tấn gạo mỗi năm để phục vụ nhu cầu trong nước và dự trữ với giá trị 400 triệu USD. Đây là mặt hàng mà những năm gần đây, Việt Nam là đối tác cung cấp gạo hàng đầu của Malaysia. Mới đây, lô gạo xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam trong năm 2021 do Công ty Trung An xuất đi hai thị trường Singapore và Malaysia với tổng khối lượng 1.600 tấn.

Hiện nay, thị trường nhập khẩu của Malaysia có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước, nhất là các cường quốc về nông nghiệp, như: Australia, New Zealand, Mỹ, Trung quốc và một số nước trong khối ASEAN, như: Thái Lan, Indonesia, Myanmar… Để thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Malaysia, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến những chứng nhận, đạo luật và các yêu cầu khắt khe của thị trường này.

Trước hết là chứng nhận Halal, tuy không bắt buộc, nhưng Malaysia là quốc gia có phần đa theo đạo Hồi giáo. Do đó, sản phẩm được chứng nhận Halal sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường hơn.

Đáng chú ý, hoạt động nhập khẩu thực phẩm vào Malaysia cần tuân thủ đạo luật thực phẩm của Malaysia năm 1983 và quy định về thực phẩm năm 1985 với các quy định về: Tiêu chuẩn thực phẩm, vệ sinh thực phẩm và xuất, nhập khẩu thực phẩm, quảng cáo thực phẩm. Ngoài ra, cần phải tuân thủ yêu cầu về bao bì, đóng gói, dán nhãn hàng hóa…

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Việt Nam 'rộng cửa' tại thị trường Malaysia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới